Mở rộng Chương trình giảm thiểu đánh bắt không chủ ý Rùa biển

Cập nhật: 14/12/2009
Theo tin từ WWF Việt Nam, Chương trình "Giảm thiểu việc đánh bắt không chủ ý rùa biển và những loài khác trong nghề câu vàng cá ngừ của Việt Nam" đã đạt được những kết quả tích cực, mở ra những tín hiệu khả quan trong việc tăng cường trách nhiệm và tính bền vững trong tương lai của nghề này.

Chương trình “Giảm thiểu việc đánh bắt rùa biển không chủ ý và  quan sát trên tàu câu vàng cá ngừ” do WWF Việt Nam, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) và  Culimer BV tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Chương trình tiến hành tập huấn các quan sát viên và 10 chuyến quan sát trên tàu câu vàng cá ngừ của ngư dân. Đồng thời tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên, lưỡi câu vòng“ tại Việt Nam. Đây là loại lưỡi câu được thiết kế nhằm giảm thiểu đánh bắt không chủ ý rùa biển (giảm được tới 80% so với loại lưỡi câu chữ J thông thường), nhưng vẫn cho năng suất đánh bắt cá ngừ tương đương với sử dụng loại lưỡi câu chữ J.

Sau giai đoạn chuẩn bị, bao gồm việc lập bản đồ những khu vực hay bắt gặp rùa biển, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thiết lập quan hệ với đối tác và chính quyền địa phương ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, nơi tập trung nhiều nhất tàu thuyền khai thác cá ngừ của Việt Nam, đã được chọn để thực hiện thí điểm chương trình giám sát với 3 chuyến quan sát được thực hiện từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009. Năm 2009 một chương trình quan sát trên diện rộng đã được thực hiện dựa vào các thông tin mới bổ sung và sự tham gia cũng như nhận thức được nâng cao của các đối tác. Giai đoạn 2 này nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin cơ sở cho việc thiết kế một chương trình thử nghiệm lưỡi câu vòng và quan sát trên tàu ngư dân trong tương lai.

Bà Nguyễn Diệu Thúy, cán bộ phụ trách Chương trình của WWF Việt Nam cho biết: “ Sau khi được đào tạo về các kỹ năng của quan sát viên, phân loại các loài bị khai thác không chủ ý và thu thập dữ liệu, các quan sát viên đã có thể thu thập thông tin có chất lượng tốt. Hơn thế, chương trình thí điểm này đã  tạo được sự ủng hộ và nhiệt tình của các ngư dân, các cán bộ quản lý nhà nước trong việc xây dựng một chương trình giám sát toàn diện và có hệ thống”.

“Theo kinh nghiệm toàn cầu, chúng tôi biết rùa biển bị mắc lưỡi câu vòng ít hơn rất nhiều so với loại lưỡi câu chữ J, nhưng thách thức ban đầu là ngư dân có sử dụng loại lưỡi câu này hay không” ông Keith Symington, điều phối viên  Chương trình giảm thiểu việc đánh bắt không chủ ý của WWF Khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết.

Nhiều ngư dân cho biết loại lưỡi câu vòng làm bằng thép không gỉ có chất lượng rất tốt và “giữ mồi câu tốt hơn loại lưỡi chữ J”. Một ngư dân sử dụng 62% loại lưỡi câu mới này hoàn toàn hài lòng với kết quả đạt được, và cho biết anh đánh bắt được nhiều cá ngừ hơn và cá to hơn. Sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, anh đã đề nghị được cung cấp thêm loại lưỡi câu mới này và đồng ý chuyển sang sử dụng 100% loại lưỡi câu vòng trong đợt thử nghiệm tiếp theo.    

Ngư dân cũng rất hài lòng với việc thử nghiệm dụng cụ gỡ lưỡi câu và dao cắt dây câu - loại thiết bị mới được giới thiệu dùng để giải thoát rùa biển nếu mắc phải lưỡi câu. Theo báo cáo của các quan sát viên, tất cả các cá thể rùa biển bị mắc câu trong các chuyến quan sát đều sống sót và được trả về biển nhờ sự hỗ trợ của loại dụng cụ mới này.

Ông Martin Brugnan, Giám đốc Công ty Thủy sản Culimer BV, một trong những đối tác của dự án, vui mừng thừa nhận “việc một số ngư dân đồng ý sử dụng 100% loại lưỡi câu vòng là điều đặc biệt có ý nghĩa”

Để tiếp tục kết quả khả quan này, hiện các đối tác dự án  đang chuẩn bị nâng cấp chương trình quan sát và tiếp tục thử nghiệm loại lưỡi câu vòng trong mùa cá ngừ 2010, với sự tham gia của các nhà quản lý và nhà khoa học Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Thủy sản Nha Trang. Các đợt thử nghiệm này do Culimer BV tiếp tục hỗ trợ.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường