Trong hai ngày 10 và 11/12, hội nghị các nhóm lập kế hoạch bảo vệ cảnh quan dải núi đá vôi Ngọc Sơn (Hoà Bình), Phù Luông (Thanh Hoá) và Cúc Phương (Ninh Bình) dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh diễn ra tại Ninh Bình với đại diện năm thành phần trong nhóm, gồm UBND, Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm Lâm, Sở Kế hoạch&Đầu tư, Sở Tài nguyên&Môi trường ba tỉnh, cùng với ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Ngọc Sơn và Vườn quốc gia Cúc Phương.
Thực hiện thoả thuận giữa ba tỉnh, từ năm 2006 đến nay, nhóm hoạt động bảo vệ cảnh quan đã đề ra qui chế phối hợp hành động, thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, quản lý nguồn nước, phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hoá phát triển vùng đệm, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, tạo ra hành lang sinh thái an toàn.
Trong năm 2009, tỉnh Hoà Bình đã chú trọng xử lý nguồn nước thải từ Nhà máy giấy Vạn Mai (Mai Châu) không để xả thẳng ra sông Mã. Tỉnh Thanh Hoá cũng thường xuyên giám sát các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn như Nhà máy tinh bột sắn Thiết Ống (Bá Thước) và các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã.
Tỉnh Ninh Bình kiểm tra, xử lý các cơ sở xi măng Tam Điệp, Hệ Dưỡng, các nhà máy gạch, khảo sát môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, xây dựng bãi xử lý rác thải ở Nho Quan, bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.
Nhiều hoạt động phát triển du lịch đựơc chú trọng đầu tư và khai thác như: khu du lịch Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), nạo vét sông Sào Khê- Ngô Đồng trên tuyến giao thông thuỷ Bích Động - Thạch Bích- Thung Nắng (Ninh Bình), quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hoá), mở tuyến du lịch từ Cúc Phương sang khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn (Hoà Bình), phát triển thêm các vùng đệm gồm hơn 800 ha rừng đặc dụng, khoanh nuôi hơn 11.000 ha rừng tái sinh ở Nho Quan, cho các hộ dân vay vốn xây dựng vùng đệm vườn quốc gia Bến En (Thanh Hoá) và Cúc phương Ninh Bình)...
Cũng tại các vùng giáp ranh, ba tỉnh đã phối hợp quản lý, khai thác tốt nguồn taì nguyên đá vôi, đất sét, chống khai thác vàng trái phép ở vùng Bá Thước (Thanh Hoá).
Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đệm thông qua các Chương trình dự án 134, 135 của Chính phủ, góp phần ổn định đời sống, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc còn có nhiều khó khăn.
Trong năm 2010, nhóm bảo vệ cảnh quan ba tỉnh tập trung vào việc bảo vệ môi trường, nguồn nước, giải quyết dứt điểm việc khai thác tài nguyên trái phép, tăng cường kiểm tra xử lý chất thải có nguy cơ cao làm ô nhiễm nguồn nước tại các nhà máy giấy, nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại các địa điểm trên, nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ cảnh quan của cả vùng sinh thái, tiến tới xây dựng khu dự trữ sinh quyển đề nghị UNESCO công nhận trong thời gian tới.