Phát triển du lịch cộng đồng ở bản Hồ - Sa Pa

Cập nhật: 29/12/2009
Bản Hồ thuộc địa phận thị trấn Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 24km, nằm ở độ cao 435m so với mặt biển. Cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay kể từ khi chính quyền địa phương tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Từ thị trấn Sa Pa, theo con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, một bên là núi cao sừng sững, một bên là vực thẳm hun hút,  rồi qua những thửa ruộng bậc thang với những ngôi nhà sàn nằm rải rác ở thung lũng hoặc cheo leo bên sườn núi, đó là bản Hồ.

Bản nằm trong một thung lũng đẹp, có những thửa ruộng bậc thang cao thấp, uốn lượn, điểm xuyến là những ngôi nhà sàn mộc mạc. Bản Hồ chia làm ba thôn: Tả Trung Hồ, Xéo Trung Hồ và Hoàng Liên là nơi sinh sống của ba dân tộc Mông, Dao, Tày nhưng người Tày vẫn chiếm đa số. Tuy mới làm du lịch nhưng Bản Hồ đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của rất nhiều du khách, nhất là những du khách nước ngoài. Để phát triển du lịch Bản Hồ theo hướng du lịch bền vững, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên người bản địa, đào tạo tiếng Anh cho hơn 50 người để có thể giới thiệu về nét văn hoá và phong tục tập quán độc đáo của từng dân tộc. Về chỗ ăn nghỉ, hiện đã đã có gần năm chục hộ chính thức tham gia và có thể đón được khoảng 500 du khách/ngày. Nếu cần, hầu hết các hộ gia đình ở Bản Hồ đều có thể đón khách.... Lòng mến khách của người dân ở nơi đây thể hiện bằng tình cảm nồng ấm, không có giá cụ thể cho bất kỳ loại dịch vụ nào, tùy tâm của khách. Chủ nhà có bao nhiêu “của ngon vật lạ” trong nhà đem hết ra thết đãi và mời du khách bằng thứ rượu mầm thóc do họ tự cất lấy cho đến khi nào “say mới quí”. Đến Bản Hồ, du khách được sống và sinh hoạt trong không khí ấm cúng và thân mật của gia đình. Chủ nhà sẽ hướng dẫn du khách tham quan Vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có chủng thực - động vật vô cùng phong phú. Buổi trưa, từ trong rừng ra du khách có thể hoà mình vào dòng suối Lave, ngắm thác Đá Nhảy hùng vĩ, bọt tung trắng xoá.

Ăn trưa xong, chủ nhà mến khách sẽ đưa du khách đến thôn của người Dao đỏ trên núi cao tắm lá thuốc. Lá thuốc có 18 vị, người Dao phải đi lấy tận trên rừng. Sau khi phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ mới có thể dùng được. Nước thuốc sẽ được đổ vào chiếc thùng làm bằng gỗ pơmu thơm ngát, nóng hay lạnh tuỳ thuộc vào sức chịu đựng của mỗi người (nhưng theo những người dân ở đây thì càng nóng càng tốt). Bạn sẽ ngâm mình vào thùng nước ít nhất khoảng một giờ đồng hồ, nhưng cứ 15 phút một lần lại có người rút nước ra đổ thêm nước mới vào. Khi đứng lên, bạn sẽ thấy người lảo đảo như say rượu nhưng sau khi đã ngồi nghỉ chừng nửa tiếng thì thấy người khoẻ khoắn, sảng khoái vô cùng. Theo ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, đây là bài thuốc gia truyền của người Dao và chỉ có người Dao mới biết, đã được Viện Y học cổ truyền thẩm định.

Hiện nay, Bản Hồ đang triển khai dự án “Du lịch bền vững”, nhà nhà đón khách. Hy vọng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, du lịch cộng đồng Bản Hồ sẽ ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng no ấm hơn.

Kim Dung (tổng hợp)

Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam/Báo TNVN