Phá cảnh quan khu vực suối Giải Oan - Yên Tử

Cập nhật: 30/12/2009
Suối Giải Oan - một trong những di tích, di sản quan trọng trong khu thắng tích Yên Tử (thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) - bị Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm, đơn vị hoạt động trong khu thắng tích Yên Tử, làm cho méo mó bởi sự tự tiện, ngang nhiên và phản thẩm mĩ.

Biến dạng con suối đẹp

Sau nhiều cuộc vi phạm nặng nề đối với di tích, di sản, trùng tu bởi việc làm mới, bảo tồn mà thành ra xâm hại, với sự lên án của báo chí và những xử lý nghiêm khắc của giới chức năng, tưởng chừng xã hội đang nhìn vào đó để rút kinh nghiệm chung. Nhưng, mới đây thôi, dư luận bất bình trước sự việc diễn ra tại suối Giải Oan, Yên Tử, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Tại đây, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm, đơn vị hoạt động trong khu thắng tích Yên Tử, đã tiến hành khoét rộng lòng suối Giải Oan ở khu vực dẫn lên chùa Giải Oan, lát đá, xây bờ đá, biến nơi đây thành một cái hồ nông cạn, đào xới sỏi đá dưới lòng suối.

Mọc lên giữa hồ là một toà lầu to được dẫn vào bởi hai chiếc cầu lớn. Xung quanh các hạng mục này, người ta làm đường. Đoạn từ suối lên cổng chùa cũng mọc lên nhiều "ki-ốt" bằng bê tông lạnh lẽo và thô cứng.

Cho đến dịp kỷ niệm 701 năm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và khởi công xây tượng ngài tại Yên Tử vừa qua, vẻ hoang sơ, thanh tịnh ở khu vực này đã biến mất. Thay vào đó là khối công trình đồ sộ, lấn át tự nhiên.

Dư luận đã lên tiếng phản ánh và phê phán việc xây dựng này nhưng tình hình giải quyết của các cơ quan chức năng xem ra còn chậm chạp.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Công Bộ - trưởng ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết cho đến thời điểm này thì đúng là họ vẫn chưa có phép! Theo ông Nguyễn Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí thì "Trước đó họ cũng không xin phép, họ cứ tự làm!".

Có tội với tiền nhân

Suối Giải Oan từ lâu vẫn là một chốn thiêng liêng, là nơi gửi gắm, hướng tâm của nhiều thế hệ Phật tử, du khách. Không phải vô cớ mà quần chúng nhân dân hành hương lên Yên Tử thường lội qua suối những mong giải thoát khỏi tai ách, lòng dạ được nhẹ nhõm, thảnh thơi.

Đặc biệt, theo Đại đức Thích Đạo Hiển - phó ban trị sự tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh - xưa kia khu vực này chính là nơi lập đàn cúng cho 300 phi tần đã nguyện một lòng theo đức Trần Nhân Tông mà từ bỏ cả mạng sống.

Không đồng tình với việc đào bới, nạo vét con suối, Đại đức Thích Đạo Hiển khẳng định: “Giới tu hành không phản đối sự trùng tu, phát triển, càng không phản đối sự làm đẹp cho di tích. Nhưng phải trên cái căn bản, cái gốc, phải giữ được hiện vật gốc. Không có thì phát triển cái gì cũng không có hồn!”.

GS. Trần Lâm Biền - Tạp chí Di sản của Cục Di sản Văn hoá, phân tích: “Tinh thần của Phật giáo trí thức là muốn hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ. Do đó tinh thần bảo tồn di sản phải trên nền tảng tư tưởng hoà hợp này”.

Trước thực trạng diễn ra tại khu vực này, GS gay gắt: “Mọi hành động phá vỡ cảnh quan gốc đều là hành động trước mắt, là phạm pháp. Đó còn là tội lỗi đối với lịch sử và tâm hồn truyền thống”.

Hiện nay, Cục Di sản Văn hoá cũng đã vào cuộc tìm hiểu sự việc diễn ra tại suối Giải Oan. Hy vọng việc tác động làm biến dạng di tích, cảnh quan trong khu thắng tích đã được xếp hạng quốc gia sẽ không bị chìm xuồng. Bên cạnh đó, làm sao để lấy lại vẻ đẹp cũ của cảnh quan nơi đây cũng như bảo vệ cho núi rừng Yên Tử không bị xâm thực bởi "tư duy xi măng", "tư duy mới hoá" là vấn đề lớn hơn nhiều lần.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống