Những ngày đầu năm mới, tại thị xã Hà Giang lại xuất hiện tình trạng nhiều tốp người dân ở các xã Phương Tiến và Phương Thiện thuộc huyện Vị Xuyên; xã Phú Linh thuộc phường Ngọc Đường, buộc dây thép, xếp các giò phong lan vào quẩy tấu gồng gánh đi bán rong trên đường phố hoặc vào từng hộ khá giả để gạ bán.
Giá mỗi giò phong lan từ 50.000 đồng trở lên tùy theo từng loại đẹp hay xấu như hoa lan Ngọc Điểm, lan hài 40.000-50.000 đồng/giò, lan Hồ Điệp 130.000-150.000 đồng/giò.
Người dân bán phong lan chủ yếu ở những khu đông dân cư hoặc các khu vực xung quanh chợ trung tâm thị xã như đường Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai.
Phục vụ nhu cầu chơi phong lan cảnh trong những ngày Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, một số hộ dân còn treo phong lan lủng lẳng trên cầu Yên Biên II ở thị xã Hà Giang để rao bán.
Những người chơi phong lan trên địa bàn thị xã Hà Giang cho biết những giò lan đẹp thường mọc ở trên cành cây cao để đón ánh mặt trời hoặc trên những thân cây gỗ mục nên muốn có những giò hoa tươi đem bán, người dân phải mất 3-4 ngày đi bộ vào sâu trong rừng (kể cả rừng cấm), gặp rất nhiều nguy hiểm như rắn độc, vắt và phải chặt phá hoặc cưa cây đổ mới lấy được.
Việc khai thác, bán lan rừng mang lại cho nhiều người dân nguồn thu đáng kể nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hủy diệt đa dạng sinh học của rừng, các cánh rừng thiên nhiên bị con người tàn phá, xâm hại nên ngày càng trơ trọi, các giống cây quý hiếm đang mất dần.
Để ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng khai thác phong lan tràn lan, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được về tác hại của việc phá rừng lấy lan.
Các cấp chính quyền quan tâm tạo công ăn việc làm để người dân có thu nhập ổn định, từ đó chấm dứt hiện tượng khai thác cây phong lan bừa bãi như hiện nay./.