Ba lĩnh vực ưu tiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được Liên hiệp quốc (LHQ) xác định trên cơ sở tận dụng các nguồn lợi của các hệ sinh thái, từ các dải san hô đến các cánh rừng, kết hợp với công nghệ năng lượng Mặt Trời, địa nhiệt và gió.
LHQ đang nỗ lực tìm kiếm chiến lược phát triển nhanh để có thể đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên cũng như giải đáp một loạt vấn đề đang ngày càng trở nên bức thiết về các giải pháp tốt nhất nhằm thực hiện “nền kinh tế xanh”, theo đó sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và thải ít cácbon.
Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh các hệ sinh thái lành mạnh như các dải san hô, các vùng đất ướt, rừng đước và các khu vực đất phì nhiêu cho trồng trọt là những hệ sinh thái chủ chốt để thích nghi thành công với những biến đổi của thời tiết.
Đây là lĩnh vực ưu tiên thứ nhất và UNEP kêu gọi các nước quản lý và bảo tồn các hệ sinh thái này như các vùng đệm. Các hệ sinh thái này cũng như các nguồn lợi mà chúng cung cấp cho nhân loại là tài sản kinh tế vô giá. Nghiên cứu mới được các nhà khoa học LHQ công bố khẳng định lượng khí thải CO2 tương đương với 50% lượng khí thải của khu vực giao thông vận tải toàn cầu đã được các hệ sinh thái biển như rừng đước, đầm lầy ven biển, …hấp thu và lưu giữ.
Lĩnh vực ưu tiên thứ 2 liên quan đến Chương trình giảm khí thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD), một đối tác giữa UNEP, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP). Lượng khí thải này có thể chiếm tới 20% tổng lượng khí thải toàn cầu hiện nay. Đã có 9 nước trên thế giới sẵn sàng tham gia REDD với các biện pháp và các chế độ giám sát, kiểm chứng, bảo vệ để đảm bảo hiệu quả của chương trình không chỉ về kinh tế và thời tiết mà còn cả trong cuộc sống của các cộng đồng dân cư. Thực hiện REDD, mỗi năm Inđônêxia có thể thêm thu nhập tới 1 tỷ USD nếu nạn phá rừng giảm đi 50%.
Lĩnh vực ưu tiên thứ 3 là thực hiện công nghệ sạch. Nghiên cứu của UNEP nhấn mạnh đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế ít thải CO2 và giảm lượng khí thải từ tiêu thụ năng lượng không hiệu quả cũng làm tăng hiệu quả của nền kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, UNEP nhấn mạnh mặc dù nhiều công nghệ giảm lượng khí thải CO2 có thể có hiệu quả thương mại, nhưng việc chuyển giao những công nghệ này tới các thị trường mới và sử dụng chúng trên toàn cầu vẫn là một thách thức lớn.