Nạn săn bắt 'Chim trời' ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 07/01/2010
Thời gian gần đây, hiện tượng săn bắn chim, cò làm “mồi nhậu” rộ lên. Ở đâu người ta cũng tìm mọi cách để triệt hạ “chim trời”. Những con chim vô tội sau khi bị bắt, liền được đem đến các nhà hàng đặc sản phục vụ các “thượng đế” lắm bạc nhiều tiền!

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hàng chục sân chim, vườn cò, tập trung tại hầu hết các tỉnh trong khu vực, nhiều nhất là ở tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau… cũng đang trong tình cảnh tương tự. Những sân chim, vườn cò này trước đây thu hút rất nhiều loại về sinh sôi nảy nở với số lượng ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại. Nhưng hiện nay, nhiều loại như cò, diệc, vịt trời, cồng cộc… ngày càng ít đi. Lí do chủ yếu là những tháng gần đây, xung quanh các sân chim, vườn cò xuất hiện nhiều “thiện xạ” lui tới để tìm mọi cách bắt chim phục vụ các “thượng đế”! Họ tìm đủ mọi cách như: đánh thuốc độc, dùng lưới, keo để dụ các loại chim, cò xuống đậu và bắt chúng đem đi tiêu thụ. Có ngày những đối tượng này bắt được cả chục kg, giá bán mỗi kg hàng trăm nghìn đồng, khoản thu nhập từ nguồn bắt “chim trời” này đủ nuôi sống gia đình họ. Chính vì vậy, có những đội “săn bắt chim” chuyên nghiệp, họ có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là những nơi có vườn cò, sân chim.

Một  điều lạ lùng khác, đó là ngoài những người “săn bắt chim” chuyên nghiệp thì các chủ sân chim, vườn cò cũng góp phần triệt hạ “chim trời”. Ở rất nhiều khu du lịch tư nhân có sân chim, vườn cò, khi du khách đến đây ngoài thú thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, còn được gia chủ tiếp thị những món ngon được chế biến từ chính những chú chim non trong vườn. Khi được hỏi vì sao lại “triệt hạ” những chú chim non như vậy, những chủ vườn chim thường trả lời “Sân chim ngày càng nhiều, bắt vài chục con phục vụ du khách có thấm vào đâu. Với lại mình cũng phải thu hoạch bán đi số chim non để còn lấy lại vốn đầu tư ban đầu chứ!”. Vậy là hàng nghìn con chim non ở các sân chim trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cứ “ra đi” mỗi ngày, không ai quản lý và cũng không ai xử lí. Nhiều người chủ vườn chim còn lí luận “Chim trời,  có của riêng ai đâu mà xử lí với quản lí”. Chính vì vậy mà chim trời ngày càng ít đi, một số sân chim, vườn cò không còn cảnh chim bay về khi đến mùa sinh nở nữa, thay vào đó là cảnh đìu hiu, vắng lặng.

Phải chăng những loại chim này không nằm trong “sách đỏ” nên chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xử lí?

Nguồn: Quân đội Nhân dân