Việt Nam vào cuộc chống biến đổi khí hậu

Cập nhật: 27/01/2010
Những mối đe dọa đối với con người từ biến đổi khí hậu dù đang là cảnh báo, nhưng đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với nguy cơ này. Một sự đầu tư thích đáng về khoa học công nghệ sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong công tác phòng chống.

Từ những cảnh báo chưa cũ

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2007 chỉ ra rằng, trong thế kỷ 21, hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển sẽ phải di chuyển do tác động của nước biển dâng, đồng thời tác động về kinh tế và sinh thái sẽ rất nặng nề đối với tất cả các khu vực.

Trong phạm vi của Việt Nam, hai khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là hai vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long - vốn là hai khu vực đất thấp, gần biển, lại có mật độ cư dân rất cao. Nước biển dâng sẽ tác động đến 15% dân số tương đương với 12-15 triệu người. Đặc biệt, sẽ có khoảng hơn 10% tỷ lệ đất đai bị ngập sâu, bị mặn cực độ.

Báo cáo của Diễn đàn Nhân đạo toàn cầu (GHF) công bố ngày 29/5/2009 cũng cho biết, mỗi năm có đến 300.000 người chết do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH). Con số thiệt hại về người có thể còn gấp đôi năm 2030. Báo cáo cũng cảnh báo, BĐKH sẽ khiến toàn bộ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về giảm đói nghèo, trẻ em chết yểu và lan tràn dịch bệnh khó thành hiện thực. Ngoài ra, thiệt hại kinh tế mỗi năm ước tính khoảng 125 tỉ USD, con số này chưa tính đến ảnh hưởng tới "sức khỏe, nguồn nước và các ảnh hưởng khác".

Khẩn trương xây dựng chiến lược khoa học công nghệ Quốc gia 

Mặc dù được cảnh báo sẽ trở thành thảm họa nếu nước biển tiếp tục dâng cao, nhưng cho đến nay, dường như cộng đồng quốc tế chưa thực sự nghiêm túc xem xét hệ quả của nguy cơ này để quy hoạch định vị dân cư và cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện tình trạng ngập do triều cường ở các đô thị đang ngày càng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, theo tính toán, các địa phương như TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long và Hải Phòng sẽ chịu ngập lớn do triều cường. Nguy ngập nhất là TP.HCM với tình trạng triều cường nhiều lần làm vỡ bờ bao gây ngập trên diện rộng.

Để chủ động đối phó với BĐKH, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang xây dựng Chương trình khoa học công nghệ Quốc gia về BĐKH. Chương trình này về cơ bản đã xong phần Đề cương đề án xây dựng Chương trình KHCN Quốc gia về BĐKH; Dự thảo khung Chương trình KHCN Quốc gia về BĐKH. Theo Viện trưởng Trần Thục, nội dung nghiên cứu của Chương trình bao gồm: Xác định chỉ tiêu của quá trình tích hợp; Đánh giá tác động của BĐKH đến các kế hoạch phát triển ngành và địa phương; Đánh giá nhận thức và năng lực nhằm thực hiện quá trình tích hợp; Đánh giá tác động của quá trình tích hợp; Xây dựng cơ chế chiến lược tích hợp… Ông Thục cho biết, việc chủ động vào cuộc chống BĐKH sẽ giúp cho Việt Nam chủ động trong việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, một mặt BĐKH có tiêu cực đến phát triển, nhưng mặt khác cũng là cơ hội cho phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Ứng phó với BĐKH cũng tạo ra những cơ hội kinh doanh với các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa; dịch vụ tiêu thụ ít cac-bon sẽ được mở ra. Sự biến đổi công nghệ năng lượng và cơ cấu của nền kinh tế tạo ra cơ hội thuận lợi để phân lập tăng trưởng với phát thải. Đặc biệt, ông Thục nhấn mạnh: "Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì cơ hội sử dụng Quỹ đa phương ứng phó với BĐKH và các nguồn vốn ứng phó khác của các nước, cơ hội về Cơ chế phát triển sạch (CDM) cũng cần được xem xét".

Nguồn: monre.gov.vn