Những sự thay đổi do biển đổi khí hậu đã trực tiếp tác động vào đa dạng sinh học, các công trình xây dựng và sinh kế của cộng đồng ở khu vực.
Tài nguyên rừng là nhân tố chịu tác động đầu tiên từ biến đổi khí hậu. Các dải rừng phi lao ở Côn Lu được trồng từ cuối những năm 90, đã khép tán và đạt chiều cao gần thành thục (gần 10m) nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây - sau khi bị nước biển lúc triều cường ngập tràn qua và bị ngâm nước nhiều giờ trong ngày, rừng phi lao đã không thể thích ứng kịp nên đã bị chết đứng hàng loạt.
Rừng ngập mặn, bình thường khi đạt độ thành thục đã vươn lên khỏi mặt nước lúc triều cường, tuy nhiên do mực nước biển dâng ngày càng cao, trong khi sinh khối của các loài cây ngập mặn ở khu vực chỉ là hữu hạn.
Bởi vậy, khả năng các loài cây ngập mặn đại trà như trang và sú có chiều cao hạn chế sẽ khó lòng thích ứng được. Các chức năng ưu việt của rừng ngập mặn như: “phòng hộ đê biển, cung cấp môi sinh an lành…” sẽ bị suy giảm đáng kể.
Các loài động vật khác ở khu vực cũng ít nhiều bị tác động. Khi nhiệt độ ấm hơn ở Bắc bán cầu, các loài chim di cư tránh rét sẽ thay đổi tập tính di cư, nhiều loài chim lựa chọn điểm di cư ở gần hơn hoặc thời gian di cư muộn hơn đồng thời kết thúc mùa di cư sớm hơn thường lệ.
Một số loài động thực vật thủy sinh khác cũng chịu tác động của sự thay đổi mực nước biển khiến cho tập tính và sinh trưởng của loài không ổn định cũng như không đạt được năng suất sinh học thường thấy.
Nhiều công trình xây dựng ở vùng triều theo khảo sát ban đầu không bị ngập triều. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến nay thường xuyên bị ngập nước khi gặp triều cường, điều đó đã tác động đến tiêu cực đến công năng của công trình và gây ra nhiều phiền toái, bất tiện cho người sử dụng.
Dân địa phương đã lựa chọn các sinh kế phụ thuộc vào vùng triều ở khu vực. Mỗi nghề đều ít nhiều chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Các nghề khai thác tự do nguồn lợi thủy sản tự nhiên phải thích ứng với môi trường trước ngày càng cao thêm.
Các nghề nuôi trồng thủy sản do bị triều cường uy hiếp, cũng đang phải lo thay đổi phương tiện như việc đầu tư để nâng cao bờ đầm chòi canh và vây bả, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với các điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra với tần xuất ngày càng lớn.
Khi nhiệt độ cao hơn cùng các yếu tố bất lợi khác, nghề nuôi trồng thủy sạn ở khu vực cũng gánh chịu nhiều hậu quả đáng kể như dịch bệnh phát sinh nhiều, bãi triều đã được khoanh nuôi ban đầu do thay đổi mực nước triều dâng đã không còn phù hợp với điều kiện thiết yếu để nuôi trồng thủy sản truyền thống nữa. Kết quả năng suất nuôi trồng sụt giảm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
Ứng phó
Du lịch ở vùng cửa sông ven biển khu vực VQG Xuân Thủy cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu tương tự như các loại hình sinh kế khác ở vùng triều.
Tài nguyên đa dạng sinh học, các công trình xây dựng và các mô hình sinh kế của cộng đồng địa phương hiện hữu trên vùng triều đều là các nhân tố đầu vào thiết yếu cho yêu cầu phát triển mô hình du lịch sinh thái ở khu vực.
Các biện pháp ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu ở vùng nhạy cảm thuộc hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển khu vực VQG Xuân Thủy như sau:
- Đa dạng sinh học là mục tiêu sống còn của hoạt động du lịch sinh thái nên các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu ở khu bảo tồn cần được cân nhắc kỹ và thực hiện chu đáo nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
- Những khu rừng phi lao bị chết đứng hàng loạt cần được khoanh vùng theo dõi diễn biến. Chỉ tiến hành phục hồi rừng khi điều kiện cho phép. Đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, cần trồng các loài cây có sinh khối lớn hơn như bần, đang, mắm… để tăng cường khả năng phòng hộ của rừng ngập mặn và đảm bảo cân bằng sinh thái cho khu vực.
- Việc bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục môi trường kết hợp với ngăn chặn xử lý triệt để các hành vi xâm hại tài nguyên chim thú cùng các loài động vật hoang dã quý hiếm khác nhằm bảo đảm cho các loài sinh vật có điều kiện tồn tại tốt nhất và phát triển lâu bền ngay tại vùng cửa sông ven biển thuộc VQG.
- Những công trình xây dựng mới cần phải khảo sát chính xác và dự báo mực nước biển dâng cho khoảng thời gian tối thiếu từ 15 - 20 năm tới để thiết lập chiều cao các công trình cho phù hợp, tránh tình trạng vừa mới xây dựng xong đã phải tôn nền vì ngập nước khi gặp triều cường.
- Các công trình đã xây dựng nếu bị ngập nước cần có biện pháp xử lý thích hợp. Một số công trình đã khấu hao cơ bản lớn cần phải được thanh lý để xây dựng lại cho thoát ngập và đảm bảo mỹ quan cũng như tiện ích trong sử dụng.
- Các công trình còn có khả năng sử dụng cần phải nghiên cứu biện pháp khắc phục cụ thể như tôn nền, gia cường các vật liệu chịu lực tốt hơn đồng thời thường xuyên duy tu bảo trì để công trình không gặp phải sự cố đáng tiếc khi chống chọi với điều kiện nước biển ngày càng dâng cao cùng với những diễn biến về thiên tai ngày càng khôn lường ở khu vực.
- Các nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản ở vùng triều cần có biện pháp thích ứng nhanh với sự thay đổi thường xuyên và mau lẹ của môi trường. Với nghề nuôi tôm, phải chuyển hẳn sang hướng nuôi tôm sinh thái, vừa giữ rừng vừa nuôi tổng hợp các loài thủy sản tự nhiên ở khu vực.
- Với nghề khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, các công cụ phục vụ cho công việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên như lưới vây bả nhà chòi và đăng đáy cần phải được nâng cấp cho tương thích với chiều cao ngày lớn của mức nước biển.
Tác động từ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao ở hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển khu vực VQG Xuân Thủy là hết sức rõ ràng và khôn lường. Nó đã và sẽ gây những tác động tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường ở khu vực.
Bởi vậy, cần xác định các hoạt động ưu tiên và triển khai các biện pháp ứng phó hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu ở khu vực đến mức thấp nhất có thể.
Mặt khác, cũng cần phải tiếp tục duy trì tốt các chức năng ưu việt của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thì ở cửa sông ven biển, nhằm đáp ứng mục tiêu: “Đảm bảo lợi ích trước mắt của cộng đồng địa phương đồng thời, đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia và quốc tế ở địa danh Vườn Quốc gia - Khu Ramsar Xuân Thủy”.