Nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn: Kỳ II: Vấn đề không phải của riêng ngành Du lịch

Cập nhật: 13/04/2010
Trong năm 2009, loạt bài: “Du lịch khốn vì… vệ sinh!” trên báo Thanh Niên đã nhận được sự đồng thuận từ phía Sở Du lịch các địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp và người dân...

Thực tế là ở nhiều khu du lịch (KDL) do các doanh nghiệp du lịch quản lý trực tiếp thì vấn đề NVS làm khá tốt (chẳng hạn như trong các nhà hàng, khách sạn, quán café). Tuy nhiên bức xúc nhất là ở các khu vực công cộng như các công viên, bến bãi, đường giao thông trong các khu du lịch mà ngành không trực tiếp quản lý. Ở một số khu vực nói trên, NVS vừa thiếu lại vừa yếu: Diện tích sử dụng nhỏ hẹp, thiếu các dụng cụ vệ sinh cần thiết, đặc biệt là quá bẩn gây nhức nhối đối với du khách và người dân địa phương.

Ý kiến từ phía những người làm du lịch

Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. HCM cho biết: “ Lâu nay các doanh nghiệp nhất là các đơn vị lữ hành của thành phố cũng như của cả nước rất bức xúc vấn đề này. Tất cả đều muốn ủng hộ nếu Bộ VHTTDL có một đợt kiểm tra, rà soát và giải quyết vấn nạn trên một cách triệt để. Bản thân tôi là một người quản lý du lịch, tôi cũng rất ủng hộ chủ trương trên.” Được biết, trong cuộc họp giao ban gần đây, Hội Lữ hành có “hiến kế” giải quyết vấn đề NVS tại các KDL trên địa bàn thành phố nhưng còn phải chờ cấp trên xem xét.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Chí - Phó trưởng phòng Lữ hành Sở VHTTDL cho rằng: “ Đây là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay. Có thể coi đó là điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Vệ sinh là cái nhu cầu thiết yếu nhất của du khách, vậy mà chúng ta không làm tốt được thì khó hy vọng một tương lai tươi sáng cho ngành du lịch nước nhà”. Hiện nay NVS được chia làm hai mảng: NVS ở các KDL riêng biệt do chủ đầu tư quản lý và NVS công cộng. Ở các KDL riêng biệt, NVS còn chấp nhận được chứ NVS công cộng thì rất tệ do khó quản lý vì phải phục vụ nhiều đối tượng: Du khách và người dân địa phương. Cũng theo ông Chí: Vấn đề này từ lâu đã nhận được ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp du lịch nhưng chưa làm được. Không phải vì chúng ta thiếu vốn, mà thiếu một văn bản pháp luật quy định cụ thể. Ở một số nước trong khu vực, họ làm rất tốt bởi họ có Luật NVS, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Còn ở Việt Nam mọi thứ vẫn là tự phát, đấy là chưa kể ý thức của dân mình chưa cao, nhiều người sẽ vệ sinh “chui” thay vì phải bỏ tiền đi NVS công cộng.

Là một người làm du lịch nhiều năm, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Lửa Việt chia sẻ: “Người ta có thể nhịn ăn uống, ngủ nghỉ... chứ không thể nhịn vệ sinh dù chỉ một ngày. Nếu có nhu cầu lập tức phải “giải tỏa” ngay. Bởi vậy người châu Âu và các nước phát triển xem nhà vệ sinh là quan trọng nhất. Nếu nhu cầu vệ sinh không được đáp ứng thì ăn không ngon, ngủ không yên, còn tâm trí đâu mà làm chuyện khác?”. Thường xuyên đi nước ngoài, ông Mỹ nhận thấy ở đó có nhiều NVS sử dụng cầu xổm chứ không phải bồn cầu như mình, nhưng lúc nào cũng sạch sẽ. Ở Mỹ, nhiều con đường không có NVS công cộng, du khách được quyền đi nhờ nhà dân, còn ở mình thì khó có chuyện ấy, vì người ta sợ nạn trộm cắp. Gay gắt hơn, ông Mỹ cho rằng: “ Vấn nạn NVS ở nước ta thực sự là một “nỗi buồn” về văn hóa. Du lịch Việt Nam sẽ không thể cất cánh nếu hệ thống NVS cứ tiếp tục “ khủng bố” du khách mọi lúc mọi nơi như hiện nay”.

Du khách nói gì?

Đến Việt Nam du lịch, một trong những nơi khách nước ngoài e ngại, thậm chí “sốc” không dám ghé vào đấy là NVS công cộng tại các điểm dừng chân, tham quan. Không ít vị khách nước ngoài một đi, không trở lại chỉ vì “ấn tượng khó phai” với các kiểu NVS Việt Nam. Ở nhiều điểm du lịch, do thiếu NVS nên người ta cứ tiện đâu xả đấy, gây phản cảm đối với khách nước ngoài. “ Tôi rất dị ứng với cảnh một số người cứ lấy bờ tường, gốc cây làm nơi “trút bầu tâm sự”. Thật là thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng”- anh David, du khách Mỹ tâm sự.

Ngay cả đến du khách nội địa cũng phàn nàn nhiều về tình trạng NVS ở nhiều nơi quá thiếu, gây nên những phiền phức khó nói. Thường xuyên dẫn bạn bè ra công viên 30/4 nói chuyện, chị Thu Hằng, quận Thủ Đức than thở: “ Ở đây tìm mỏi mắt cũng không thấy có NVS nào, nhiều lúc mắc kẹt đành cố nhịn. Mình thông thuộc nơi này nhiều khi còn có thể vô nhà dân mà nhờ, chứ khách nước ngoài không biết sẽ xử sự ra sao, bởi họ tế nhị lắm!”.

Giải quyết vấn đề: Không chỉ của riêng ngành Du lịch

Thực trạng NVS ở các KDL hiện nay đang gây nhiều bức xúc cho du khách. Đã đến lúc chúng ta cần có những hành động thiết thực giải quyết triệt để vấn nạn này. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực không chỉ của riêng ngành Du lịch. Nó liên quan đến khá nhiều vấn đề, từ cơ chế chính sách của một số ngành, địa phương cũng như thói quen của người Việt Nam. Một địa phương có thể đầu tư rất lớn tiền của vào một công trình nào đó nhưng hệ thống NVS tưởng là nhỏ, nhưng rất quan thiết lại không được quan tâm. Do đó, cần phải kêu gọi mọi người tham gia, phải có được tiếng nói chung từ phía các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Trong đó vấn đề thay đổi nhận thức cho người sử dụng được xem là một trong những nhân tố quyết định. Như ý kiến của ông Nguyễn Đức Chí: “Chúng ta có thể đầu tư xây dựng những NVS hiện đại, nhưng nếu không quản lý tốt cộng với thói quen tuỳ tiện của người dân thì phương tiện này càng thêm nhếch nhác”. Trong khi chờ đợi tiếng nói từ phía lãnh đạo ngành Du lịch, một số doanh nghiệp đã lên tiếng. “Mới đây có công ty ký hợp đồng với Petech lắp đặt 100 NVS thông minh để tài trợ miễn phí cho TP. HCM, họ thu lại phí và quảng cáo nhưng thành phố chưa duyệt nên hợp đồng này chưa thể triển khai” – ông Phan Trí Dũng (Chủ tịch Công ty CP Khoa học công nghệ Petech, TP. HCM) chia sẻ.

Rõ ràng, không thể để một vấn đề nhỏ như NVS làm ảnh hưởng tới uy tín và hiệu quả hoạt động của các địa phương nói chung và của ngành Du lịch Việt Nam nói riêng. Nếu tình trạng trên không có những đột phá thì việc du khách một đi không trở lại là một thực tế và trở thành “nguy cơ tiềm ẩn cho ngành Du lịch.

Phát động chiến dịch làm sạch môi trường du lịch với trọng tâm là Chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại tất cả Thành phố, các Trung tâm du lịch, các tuyến quốc lộ và điểm du lịch của Việt Nam.

Thành Nguyễn

Nguồn: baodulich.net.vn