Tiềm năng biển đảo Việt Nam: Cô Tô đảo ngọc

Cập nhật: 02/06/2010
Huyện đảo Cô Tô là huyện đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh nằm cách cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn khoảng 60 hải lý, bao gồm nhiều hòn đảo ngoài tuyến khơi xa bờ của vùng biển đông bắc.

 

Đồng thời là một huyện trẻ có diện tích nhỏ, dân số ít (khoảng 1.200 hộ với 5.000 dân), nhưng lại giữ vị trí tiền đồn hết sức quan trọng trước vùng biển đông bắc của Tổ quốc, có tiềm năng kinh tế đa dạng, từng chịu những biến động quyết liệt nơi đầu sóng ngọn gió. Huyện đảo Cô Tô gồm 30 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 29 hòn đảo quây quần thành quần đảo Cô Tô với trung tâm là đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân. Hòn đảo lớn còn lại là đảo Chằn (còn gọi là đảo Trần) đứng riêng về phía đông bắc. Phía bắc Cô Tô giáp vùng biển Vĩnh Thực, thị xã Móng Cái và vùng biển Cái Chiên, huyện Quảng Hà; phía tây giáp vùng biển Vân Hải (Minh Châu - Quan Lạn) huyện Vân Đồn; phía nam giáp vùng biển Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng; phía đông giáp hải phận quốc tế và xa hơn là vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Cô Tô có nguồn hải sản phong phú, nằm trong khu hệ cá vịnh Bắc Bộ, ngư trường Cô Tô có gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao là đối tượng đánh bắt như cá hồng, song, mú, thu, chim, nục, trích, bạc má... Các loài giáp xác, nhuyễn thể cũng có trữ lượng lớn như tôm rồng, mực, trai ngọc, bào ngư, ngao, sò, ốc... Cạnh đảo Cô Tô còn hai bãi trai ngọc, ở Cẩu Thầu Mỉ có bãi bào ngư đã từng được khai thác tốt. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt hơn 1.350 tấn, trong đó có hơn 550 tấn cá, 15 tấn tôm, 65 tấn mực, hơn 720 tấn hải sản khác và đã chế biến hơn 350 tấn sứa biển… Ngoài ra, huyện cũng đã gieo cấy được hơn 24ha lúa, 10ha rau màu, trồng mới 10.000 cây keo, sản xuất 25 tấn muối biển, chế biến 2.500 lít nước mắm… Những năm gần đây, Cô Tô được đầu tư nhiều về kết cấu hạ tầng nên từng bước có sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội. Đời sống nhân dân huyện đảo ngày càng đi lên, huyện đã có trường học ở cả 3 cấp, có cảng cá thu hút tàu, thuyền qua lại giao thương…

Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nước ngọt dồi dào. Lợi thế này cùng với sự đồng lòng, quyết tâm, cần cù chịu khó của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, chắc chắn đảo ngọc Cô Tô sẽ ngày một phát triển tươi đẹp hơn.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân