Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường: Để Luật trở thành công cụ kinh tế kiểm soát hành vi ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 03/06/2010
Sáng 31/5, Chính phủ đã trình Quốc hội 3 dự án Luật xem xét tại kỳ họp này là Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Ghi nhận tại tổ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các đại biểu đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu cụ thể hơn để Luật thực sự trở thành công cụ kinh tế kiểm soát hành vi ô nhiễm môi trường.

Băn khoăn về đối tượng chịu thuế

Dự án Luật đưa ra 5 nhóm đối tượng chịu thuế là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, các nhóm đối tượng này chưa bao quát mọi sản phẩm hàng hóa gây tác động, tiêu cực đến môi trường. “Nếu chỉ quy định tạm thời áp thuế cho 5 nhóm sản phẩm này thì không đủ và thiếu công bằng”, đại biểu Trần Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói.

Thu thuế để góp phần ngân sách, thay đổi hành vi sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm. Do đó, những sản phẩm nào gây ô nhiễm phải thu thuế. Với những loại sản phẩm còn mang tính cạnh tranh thì cần giảm chi phí nhưng để luật có sức sống cần đưa hết các sản phẩm vào mặt hàng cần thu thuế”, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP. HCM) kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần bổ sung các sản phẩm gây suy thoái tài nguyên biển, tài nguyên rừng vào đối tượng chịu thuế. “Thực tế san hô đang bị tàn phá mạnh. Nhu cầu mua lớn, giá lại rẻ nên sức khai thác càng lớn. Cần đánh thuế vào những sản phẩm như thế để hạn chế khai thác đồng thời thay đổi hành vi của người sử dụng”, bà Khánh nói.

Về đối tượng là than, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn: Các loại than sạch, than hoạt tính có tác dụng tốt cho môi trường có nên tính thuế không? Đồng thời bà đề nghị cần đánh thuế vào những sản phẩm được sản xuất từ công nghệ cũ nát, lạc hậu.

“Đã là thuế thì phải tính đúng, tính đủ, đảm bảo công bằng cho các thành phần kinh tế. Bởi thế cần quy định đối tượng một cách bao quát”, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị.  

Đối với đối tượng là túi nhựa (túi nilon), đại biểu Nguyễn Viết Thịnh (Hà Nội) cho biết ở một số nước phát triển có nền tiêu dùng văn minh mới áp dụng thuế với sản phẩm này. “Nên chăng thay vì áp vào thuế, ta nên có quy định về cấm sử dụng túi nilon trong những lĩnh vực cụ thể”, ông Thịnh nói.

“Nếu túi nhựa chịu thuế thì các loại chai nhựa cũng phải chịu thuế vì đều gây ô nhiễm nặng và khó phân hủy. Thuốc lá cũng là loại gây ô nhiễm nặng, cần xem xét phải đưa vào thu thuế môi trường thuốc lá”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đưa ra giải pháp, nên phân cấp để áp thuế. “Đối với mặt hàng có sản phẩm thay thế thì nên đánh thuế nặng, mặt hàng chưa có hàng thay thế, như xăng, dầu thì có thể đánh nhẹ hơn để đỡ ảnh hưởng đến xã hội”, đại biểu Hoa nói.

Các đại biểu còn đề nghị đối với những sản phẩm hàng hóa có mức độ tác động không lớn hoặc có gây ô nhiễm song tại thời điểm hiện nay cần hỗ trợ để bảo đảm tính cạnh tranh thì trước mắt áp dụng thuế suất thấp. Bổ sung quy định mức thuế suất 0% để áp dụng đối với đối tượng có gây ô nhiễm nhất định tới môi trường nhưng theo lộ trình, tạm thời cho áp dụng thuế suất 0% để xử lý linh hoạt trong một số trường hợp cần thiết, tránh tình trạng phải sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính ổn định của luật.

Ban soạn thảo cho biết danh sách các sản phẩm áp thuế có thể tiếp tục được bổ sung, chỉnh lý trong quá trình lấy ý kiến và thực thi luật theo lộ trình. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục của Dự án Luật, các đại biểu đề nghị Chính phủ lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế.

Phân chia nguồn thu – bài toán khó

Nguồn thu của thuế bảo vệ môi trường sẽ được sử dụng để tái đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường ở các địa phương. Tuy nhiên, đặc thù của thuế bảo vệ môi trường là đánh vào người tiêu thụ sản phẩm, vì thế nguồn thu phải được bổ sung nhiều hơn cho địa phương tiêu thụ nhiều sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên làm thế nào để xác định lượng tiêu thụ sản phẩm này ở mỗi địa phương là một bài toán khó.

Có ý kiến đề nghị khi phân chia nguồn thu phải chú trọng tính công bằng, quyền lợi của địa phương, nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, nơi nào bị ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được phân bổ nguồn thu đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả môi trường.

“Thực tế là chi phí cho sản xuất ở Hà Nội thường cao nên các doanh nghiệp có xu thế chuyển nhà máy ra các tỉnh lân cận, rồi mới mang sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ, phân phối. Nếu phân chia nguồn thu theo nơi sản xuất sẽ không hợp lý”, đại biểu Trần Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: Dự thảo luật chưa quy định cụ thể, mới chỉ đề cập đến nguyên tắc chung là “nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường được phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương” mà không làm rõ tỷ lệ phân chia, thẩm quyền quyết định việc phân chia, mục tiêu sử dụng nguồn thu.

“Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề nghị bỏ quy định này trong Dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường, đồng thời bổ sung vào Luật Ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực mà Luật Ngân sách Nhà nước chưa quy định về việc phân chia nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường thì đề nghị quy định nội dung này trong Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương”, ông Hiển nói.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Bảo vệ môi trường - Giải pháp mạnh nhất là công cụ kinh tế

Để làm trong lành môi trường có nhiều giải pháp, trong đó mạnh nhất là dùng các công cụ kinh tế như thuế, phí. Cần xác định rõ mục tiêu của Luật mới có thể thiết kế Luật một cách xác đáng. Theo tôi, mục tiêu quan trọng là dùng thuế làm công cụ để hạn chế các hành vi gây ô nhiễm từ sản xuất đến tiêu thụ, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tiền thuế này dùng để xử lý các vấn đề môi trường theo nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm, người đó phải trả tiền. Không chỉ các cơ sở sản xuất, dự án Luật này đưa ra điều chỉnh đối với cơ sở tiêu dùng sản phẩm ô nhiễm cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Có ý kiến cho rằng, đánh thuế vào xăng, dầu sẽ tác động đến đời sống sinh hoạt sản xuất. Theo tôi không thể không đánh thuế xăng dầu vì sản phẩm này gây ô nhiễm nghiêm trọng từ sản xuất đến tiêu dùng. Để điều tiết giá thành sản phẩm, Bộ Tài chính sẽ tính cơ cấu giá, đồng thời các đơn vị kinh doanh phải giảm chi phí từ các thành phần khác để đưa ra mức giá hợp lý.

Nhật Tân

 

Nguồn: vea.gov.vn