Nhếch nhác thành nhà Mạc

Cập nhật: 07/06/2010
Nằm trong quần thể di tích Nhị Thanh – Tam Thanh – Tô Thị (thuộc địa phận phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn), thành nhà Mạc là chứng tích lịch sử của một triều đại phong kiến Việt Nam. Với ý nghĩa đó, năm 1962, thành nhà Mạc Lạng Sơn được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên, năm 2005, khu vực trung tâm của thành nhà Mạc được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép Công ty cổ phần Thương mại và Quảng cáo Hoàng Việt Anh đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình làm phá vỡ cảnh quan di tích, vi phạm luật Di sản văn hóa. Đến nay, nhiều hạng mục công trình khác vẫn tiếp tục được mọc lên.

Nằm ngay trong thành phố Lạng Sơn, khu di tích lịch sử thành nhà Mạc luôn là điểm đến thú vị của du khách thập phương mỗi lần đặt chân đến xứ Lạng. Thành nhà Mạc được xây dựng ở một vị trí đắc địa. Khu vực trung tâm của thành được bao bọc bởi các ngọn núi chạy liền nhau. Ở trên các đỉnh núi là một khung cảnh thoáng đãng có thể quan sát được nhiều địa điểm khác nhau. Một bên thành hướng ra thung lũng đồng ruộng, một bên hướng ra trung tâm TP. Lạng Sơn, hướng còn lại tiếp giáp với các dãy núi đá trùng điệp.

Dấu tích hiện còn của thành nhà Mạc là hai đoạn tường thành dài khoảng 200m, được xây dựng bằng đá và gạch. Bề rộng của mặt thành khoảng 0,6m. Mặt tường thành phủ rêu màu đen pha chút xám. Ngoài ra, trên đỉnh núi cao nhất của thành, còn thấy những bức tường xây thành hình chữ nhật bằng đá và gạch. Đây có thể là chòi canh của quân lính khi xưa.

Đến thành nhà Mạc hiện nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi khu trung tâm của di tích này biến thành nơi kinh doanh dịch vụ. Các quán lá được mọc lên bán cafe, rượu, thuốc lá, cá chỉ vàng, cá mực... nhằm phục vụ cho nhu cầu “nhậu nhẹt” của khách hàng. Nhân viên của quán này còn thường xuyên mở to hết cỡ các loại nhạc trẻ, nhạc rock, làm náo động không gian nơi đây. Còn ở một số nơi khác thì ngổn ngang các hố đất mới được đào lên để trồng cây cảnh và dựng cột xây thêm quán mới. Đường lên các ngọn núi của khu di tích đều được bê tông hóa một cách kiên cố.

Ở khu vực dấu tích lịch sử còn lại của thành, ngoài lối cổng vào được quét dọn sạch sẽ thì ở khu vực dọc hai bức tường thành um tùm cỏ dại cây gai mọc hoang. Nếu du khách muốn vào gần bức tường thành để quan sát, nghiên cứu sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm bởi rắn rết có thể trú ngụ ở đây. Không chỉ có vậy, những chiếc kim tiêm còn được vứt vương vãi ở khu vực này.

Khu vực đỉnh núi, nơi có những bức tường mang dấu tích chòi canh khi xưa cũng chung một tình trạng. Ở đây bốc lên mùi hôi thối bởi tình trạng vệ sinh bừa bãi của một số người thiếu ý thức. Ngoài ra, mảnh chai thủy tinh, vỏ bim bim, túi nilon... cũng được vứt ra bừa bãi ở đây mà không được quét dọn. Cây cối mọc lên um tùm ở giữa nơi mang dấu tích chòi canh của thành.

Anh Trần Việt Cường, một du khách đến từ Nam Định cho biết: “Đúng là khu vực này rất lí tưởng cho việc kinh doanh vì có không gian đẹp, nhưng như thế này thì bôi bác cho di tích quá. Hơn nữa, tôi muốn vào gần chiêm ngưỡng từng đoạn tường thành nhưng vì không có đường vào nên đành phải nhìn từ xa, thật tiếc”.

Thành nhà Mạc Lạng Sơn không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị về mặt kiến trúc, phong thủy. Vì vậy, đối với một khu di tích mang tầm quốc gia như thành nhà Mạc Lạng Sơn thì chính quyền địa phương cần xem xét và xử lí một cách triệt để.

Văn Hữu

 

Nguồn: Báo du lịch