Đường sấu

Cập nhật: 21/06/2010
Tôi có riêng một tập thơ về Hà Nội, tập hợp những bài viết về thành phố nơi tôi đang sống. Trong đó, tôi đã nhắc về một đặc hữu của Hà Nội ngay từ cái thời người Hà Nội còn phải sống rất thiếu thốn và chật chội, đấy là sấu.

Sấu có mặt ở Hà Nội từ bao giờ cũng chưa ai tìm hiểu được nhưng nếu là sấu trồng thành đường thì chắc là mới chỉ từ hồi người Pháp lập quy hoạch và xây phố Tây ở Hà Nội. Cùng với sấu trên đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng... là các loại cây như xà cừ trên đường Hoàng Diệu, Nguyễn Cảnh Chân, sao đen trên đường Lò Đúc, hoa sữa đường Nguyễn Du... đã trở thành biểu trưng của các tuyến phố. Cho nên những cây sấu trên các đường sấu Hà Nội tuy không được hùng vỹ như “cụ” sấu ở Cúc Phương nhưng cũng đã có tuổi đời trên dưới trăm năm, đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của thành phố bên sông Hồng cùng với năm bảy thế hệ cư dân thành phố.

Nhiều khách du lịch sau khi từ Việt Nam trở về có viết trên các báo ở nước họ rằng Hà Nội là thành phố đẹp nhất thế giới. Ta nghi hoặc về điều đó vì hằng ngày ta gặp phải biết bao điều chưa “đẹp nhất”. Nhưng nếu có một lần bạn được thư thả tản bộ trên vỉa hè rợp bóng cây của đường sấu Phan Đình Phùng thì bạn sẽ thông cảm với các du khách ngoại quốc đã viết những dòng nghi hoặc kể trên. Đấy là một buổi chiều tháng Ba, mùa xuân còn nấn ná chưa nỡ ra đi còn mùa hè còn chưa kịp đến. Nếu ngước nhìn lên mắt ta sẽ phải ngập ngừng trước những phiến lá vàng đang rơi chới với. Ấy là bắt đầu mùa cây thay lá, lần sấu thay lá thứ nhất trong năm. Mấy ngày sau nếu bạn trở lại thì dường như đã là một con đường khác. Bên những gốc cây xù xì, đen đúa đã phủ rợp lá vàng. Một con sông vàng chảy luồn lách giữa hai hàng sấu cổ thụ suốt từ đường Hùng Vương cho đến tận vườn hoa Hàng Đậu. Một cơn gió nhẹ thổi qua những cánh lá trở mình trên mặt đất, dòng sông vàng lăn tăn sóng...

Sau lá vàng lập tức là mùa lộc nõn rồi sấu đơm hoa và mấy hôm trước còn hoa/mới thơm đây ngào ngạt/thoáng như một nghi ngờ/trái đã liền có thật! Hoa sấu trắng xanh màu cốm nở thành từng chùm ở trên cao vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ. Như biết mình đến muộn, như muốn cho quả non góp mặt với mùa hè hoa sấu vội vàng đậu quả. Rồi cùng với những hạt mưa đầu mùa, hoa sấu rụng xuống đường. Đây lại là một thời khắc tuyệt đẹp của những con đường sấu. Hà Nội đang tiễn cái rét Nàng Bân và đón mùa hè xanh ngát.

Cây sấu gắn bó với người Hà Nội không chỉ bằng phong cảnh mà chúng tạo nên, không chỉ bởi bóng mát chở che, không chỉ là sức thanh lọc bầu không khí ngày càng ô nhiễm. Cây sấu gắn bó với người Hà Nội còn bằng chính những mùa hoa trái. Cái ý nghĩa của những quả sấu chua trong cuộc sống thường nhật của người Hà Nội thật không sao nói hết. Nếu cần thiết, người ta có thể thống kê mỗi ngày cư dân Hà Nội tiêu thụ hết bao nhiêu tấn sấu quả. Con số ấy hẳn là rất ấn tượng. Cùng với cơm tẻ và rau muống, hương vị sấu chua gần như không thể thiếu trên mâm cơm người Hà Nội bình dân. Đã có rất nhiều người yêu Hà Nội viết về sấu dầm, về ô mai sấu, về canh sấu, về những món đặc sản Hà Nội chế biến từ quả sấu hay có sự góp mặt của quả sấu... Tôi chỉ xin dẫn một câu nổi tiếng, rất nhiều ý nghĩa của một nhà văn, một nhà Hà Nội học: “Máu người Hà Nội có vị sấu chua”!

Có một thời người thành phố vẫn đi gom lá rụng, cành khô về đun bếp như ở quê đun rơm, đun rạ. Lá sấu khô giòn đun đượm mà không khói... Những năm gần đây cuộc sống đang dần no đủ, bạn có biết dân Hà thành tích trữ gì không? Tôi mở tủ đá nhà mình thấy một bịch lớn quả xanh, mới hỏi, thì đấy là sấu đấy. Vào độ rộ mùa quả, người nội trợ chịu thương, chịu khó mua gom cả chục cân sấu xanh về nhà. Sấu được rửa sạch, để ráo nước, đem cạo lớp vỏ ngoài rồi cho vào túi và cất vào tủ đá. Cái kho vơi dần cho đến mùa sấu năm sau. Sấu được dùng quanh năm, hương vị gần như không thay đổi.

Tiếng thơm của sấu đã vượt xa ra ngoài ranh giới thủ đô. Người ta gửi sấu đi các vùng miền làm quà tặng theo cách ăn miếng ngon nhớ đến nhau. Sấu của những đường sấu Hà Nội thì không lẫn vào đâu được, cùi dòn, thịt dầy, hạt nhỏ và thơm... Tôi có một người bạn ở Việt Bắc về chơi, để tỏ lòng hiếu khách tôi giới thiệu với chị ấy nhiều món ăn Hà Nội nhưng chị ấy chỉ có một yêu cầu: Anh cho em đi uống một cốc nước sấu! Thế đấy, những nét văn hóa trong ẩm thực, trong cách sống hình thành thật giản dị!

Rồi đây Hà Nội còn phát triển, những tuyến phố cũ sẽ được cải tạo, những tuyến phố mới sẽ vươn về các ngả. Nghe nói cây anh đào, cây ngân hạnh... sẽ được nhập nội, đem trồng nhưng tôi biết sẽ không ai quên được những giống cây đã gắn bó với người Hà Nội bao đời nay. Tôi vẫn mơ về những đường sấu mới lập và thầm mong trên những đường sấu xưa cũ của tôi, khi những cây già tàn lụi người ta sẽ trồng thay thế những cây non... Và những thế hệ Hà Nội tiếp theo vẫn được đi dưới những cơn mưa vàng lá sấu, mưa xanh hoa sấu, vẫn được nếm hương vị một quả sấu chín thơm giòn.

Những biến cải có thể sẽ diễn ra nhưng tôi tin rằng những cây sấu thì mãi mãi còn xanh và mãi mãi còn chua ngọt.

Nghiêm Huyền Vũ

 

Nguồn: Báo Du lịch