Môi trường Hà Nội ngày càng ô nhiễm

Cập nhật: 28/06/2010
Chẳng còn bao lâu nữa, sẽ đến ngày Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng môi trường sống của người thủ đô vẫn đang còn bề bộn trong sự ô nhiễm.

Tại hội thảo "Môi trường và người Hà Nội" diễn ra từ ngày 24 -  25.6, hàng loạt vấn đề ô nhiễm cần được khẩn trương giải quyết của thủ đô đã được nêu ra. 

“Đụng” đâu, ô nhiễm đó

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi hiện nay trên địa bàn thành phố đang ở mức “báo động đỏ” bởi nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 2-3 lần. Đường Nguyễn Trãi có hàm lượng bụi lơ lửng vượt TCCP tới 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt TCCP tới 10,8 lần...Kết quả quan trắc năm 2008 có tới 6/34 ngã tư nồng độ khí CO trung bình vượt TCCP từ 1,03 – 1,55 lần; có 3/34 ngã tư có nồng độ SO2 vượt TCCP từ 1,02-2 lần; có 32/34 ngã tư có nồng độ C6H6 vượt TCCP từ 1,1-3 lần...

Toàn thành phố mới chỉ có 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với công suất thiết kế 48.500m3/ngày đêm nên chỉ giải quyết được 6,9% nhu cầu. Trong số 48 bệnh viện và trung tâm y tế do thành phố quản lý, mới chỉ có 8 cơ sở có hệ thống nước thải đang hoạt động. Bên cạnh đó, Hà Nội đang có 1.310 làng nghề và tất cả nước thải của những làng nghề này đều đổ thẳng ra môi trường mà không có hệ thống xử lý.

Thành phố hiện có 26 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp và trên 50 điểm công nghiệp làng nghề hằng ngày thải ra khoảng 100.000 – 120.000m3 nhưng mới chỉ có 3 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra môi trường khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt các loại. 3 trong số 5 bãi chôn lấp rác của thành phố sắp đầy, tương lai không xa chuyện thiếu bãi chôn lấp rác là một khó khăn rất lớn trong việc xử lý chất thải rắn của thành phố.

Đừng là khẩu hiệu

Các tham luận khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên đã được các cấp, các ngành thấy rõ và đã xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm và cải thiện cảnh quan môi trường để có được thủ đô xanh, sạch đẹp để thiết thực kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chính quyền thành phố đã công bố hàng loạt các văn bản pháp quy, xây dựng các chương trình, đề án bảo vệ môi trường. Theo đó, hàng loạt mục tiêu đã được các cấp lãnh đạo chính quyền thành phố cũng như ngành TNMT nêu ra như: Phấn đấu thu gom và xử lý 100% chất thải rắn y tế nguy hại; thu gom 95% và xử lý 70% chất thải công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mở rộng khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, khu xử lý Xuân Sơn và xây dựng một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới; triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt dự kiến đặt tại Nam Sơn hoặc Đồng Ké; nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp phải được xử lý trước khi đưa vào hệ thống nước thải chung; phấn đấu 100% các bệnh viện và trung tâm y tế do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tách hệ thống nước mưa và nước thải sinh hoạt  riêng biệt...

Theo ý kiến của lãnh đạo Sở TNMT, việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu “Xanh, sạch, đẹp” để thiết thực hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là đến đại lễ mà những việc cần làm ngay để bảo vệ và giữ gìn cho môi trường Hà Nội xanh, sạch, đẹp vẫn đang là những “dự lệnh” như vừa nêu thì việc làm sạch cho môi trường trong ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vẫn còn là thách thức lớn cho các cấp chính quyền và người dân Hà Nội.

Nguồn: Theo Lao động