Các di tích lịch sử văn hóa tại TPHCM vẫn trong tình trạng bị xâm hại, bị lấn chiếm và xuống cấp rất đáng lo ngại. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị báo cáo kết quả đề án “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích” và góp ý dự thảo “Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2010-2020”, vừa được tổ chức tại Sở VH-TT-DL TPHCM.
Di tích tại TPHCM vẫn bị xâm hại
Qua thực tế khảo sát, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM vẫn đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức: người dân vào cư ngụ trong di tích hoặc xây dựng lấn chiếm khuôn viên di tích; và tình trạng sử dụng sai mục đích di tích như ở một số nơi, người trực tiếp quản lý đã cho sử dụng mặt bằng để mở dịch vụ kho chứa hàng, buôn bán, sản xuất ngay trong khuôn viên di tích. Tình trạng xâm hại di tích vừa nghiêm trọng vừa kéo dài, điển hình có thể kể đến di tích chùa Phụng Sơn (quận 11), chùa Giác Viên (quận 11), di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8) đến nay vẫn chưa được xử lý ổn thỏa.
Không chỉ bị xâm hại, nhiều di tích trên địa bàn TPHCM còn rơi vào tình trạng bị xuống cấp, nhiều nhất là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Hiện TPHCM có 73 di tích kiến trúc nghệ thuật (26 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp TP), trong đó có nhiều di tích niên đại phổ biến hàng trăm năm đang bị xuống cấp do tác động của khí hậu, thời gian, sự thoái hóa của các chất liệu, kết cấu. Việc tu bổ, sửa chữa các di tích này không đơn giản, bởi ngoài kinh phí, yếu tố quan trọng hàng đầu là làm sao để cải tạo, tu bổ mà không làm mất đi giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng của những nơi này.
Cần sự phối hợp các ban ngành
Cũng tại hội nghị này, nhiều người bày tỏ sự xót xa khi thực tế có những khu phố được xây từ năm 1872, mấy năm trước đang còn trong tình trạng rất tốt thì nay đã bị xóa bỏ để xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại. Nhiều đại biểu giật mình khi biết TPHCM chỉ còn một khu phố cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Được xây dựng đầu thế kỷ 19, nếu tính “tuổi đời” thì TP còn nhiều khu phố khác nhiều tuổi hơn khu phố Hải Thượng Lãn Ông, tuy nhiên những khu này chỉ còn lại một vài căn nhà giữ kiến trúc cổ, không gian cảnh quan đã bị phá vỡ, không thể hiện được là khu phố cổ.
“Không mong TPHCM có một phố cổ như Hội An, nhưng dù là 100m, 200m hay 1.000m phố mà có chứa không gian đô thị, dấu ấn lịch sử văn hóa của TPHCM thì chúng ta cũng phải giữ”, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM phát biểu.
Dưới góc độ khảo cổ học đô thị, TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, cho rằng cảnh quan đô thị cổ Sài Gòn tập trung ở khu vực quận 1 và quận 3 với những ô phố Tây. Mục tiêu lâu dài của TPHCM là quy hoạch đúng Luật Di sản văn hóa và phải có sự kết hợp giữa các ngành để thực hiện quy hoạch này. Chúng ta đừng để quy hoạch xây dựng xong hết đâu đấy rồi ngành văn hóa mới biết hay khi đập bỏ rồi mới biết.