Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Loan (93 tuổi), ở xóm Vầu, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) để tìm hiểu về ngôi nhà cổ đã trải qua 9 đời người.
Ông Nguyễn Văn Năm (em ruột ông Nguyên Văn Loan - một thành viên của dòng họ Nguyễn ở xóm Vầu) đưa cho chúng tôi xem cuốn gia phả dòng họ và cho biết: Đây là ngôi nhà được tổ tiên ông xây dựng từ hơn 250 năm. Ngôi nhà rộng 5 gian, đặt trên nền đất cao theo thuyết phong thủy (phía trước là cánh đồng mương nước, phía sau tựa vào một đồi nhỏ vững chãi). Ngôi nhà là 24 chiếc cột gỗ chia làm bốn vì, được đẽo gọt từ gỗ Nhặm tía. Hầu hết những xà ngang, cột gỗ này đều được trang trí bằng các hình thù chạm khắc tỉ mỉ, đẹp mắt theo lối kiến trúc kẻ truyền, soi, vẽ, kênh bong với các hình hoa lá, đầu rồng. Hiện nay, ngôi nhà vẫn còn đầy đủ các bản hạ diệp, các thanh búp măng, trấn song, con tiện, hoành phi, câu đối và ban thờ. Liên kết gỗ phần lớn bằng đục chạm, khoa mộng mà không hề dùng đinh, chốt như ngày nay. Chân mỗi cột gỗ được kê bằng một tảng đá xanh cắt gọt vuông tròn khéo léo. Mặt trước ngôi nhà gồm 3 cửa ra vào tương ứng với 3 bậc thềm lên xuống. Các cánh cửa này đều là cửa cổ bản song, được soi vẽ cẩn thận và có hình cuốn vòm kiểu tò vò khá đẹp mắt nhưng thấp so với cửa nhà hiện đại (1,7m). Bốn bức tường được xây bằng gạch Đáp Cầu vuông thành, sắc cạnh chắc chắn và trát bằng một hỗn hợp vữa đặc biệt trộn lẫn giữa cát đồng, vôi, tro tranh, vỏ hến (đốt cháy nghiền nhỏ) và mật mía. Bức tường phía trước ngôi nhà được trát vữa khéo léo thành hình hoa lá, mầm cây rất đẹp mắt. Nền nhà được lát bằng gạch đất nung cổ hình vuông mang về từ Thổ Hà (Bắc Ninh) nên đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Mái nhà được lợp từ hai loại ngói là ngói mũi hài và ngói bò Đáp Cầu nhưng nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyên Văn Năm cho biết, trong kháng chiến chống Pháp, làng Vầu bị giặc ném bom và bắn phá rất dữ dội, nhiều ngôi nhà bị cháy nhưng ngôi nhà của dòng họ ông chỉ bị ảnh hưởng rất nhẹ. Ngoài ra, hiện nay trong gia đình ông Loan còn giữ được bàn thờ cổ có cùng niên đại với ngôi nhà trên. Đây là sản phẩm của đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), được chạm khắc rất tinh xảo, sắc nét. Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Loan thực sự là một di sản quý và cần được tôn tạo, bảo vệ.
Ông Nguyễn Quốc Trường, cán bộ phòng Văn hóa và Thể thao huyện Phú Bình cho chúng tôi biết: Ngôi nhà này xuống cấp nghiêm trọng từ năm 2000 đến nay, vì trước năm 2000 gia đình ông Loan còn ở trong nhà này, nhưng sau này có nhiều chỗ dột nát, gia đình không có điều kiện tu sửa nên sợ đổ không dám ở trong ngôi nhà này. Khi gia đình chuyển sang nhà mới ở thì ngôi nhà càng xuống cấp nhanh. Những trận mưa đã làm sập mất nhiều mảng tường hai bên chái nhà, mọt và mối đã đục ruỗng nhiều trụ cột, 2/3 mái ngói bị gió táp xuống, nước mưa làm nền nhà ẩm và sũng nước...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ở vùng quê này có 5 ngôi nhà cổ ở làng Xuân La, làng Phương Độ xã Xuân Phương và nhiều cổng làng cổ ở Kha Sơn, Hà Châu. Chỉ nói riêng làng Xuân La, làng Phương Độ còn giữ được ngôi đình cổ, hàng năm đón hàng nghìn lượt khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh. Ngoài ngôi nhà cổ, làng cổ trong nhà một số gia đình còn giữ được bát hương cổ, bình hoa cổ, các dụng cụ thờ cúng cổ được giới sưu tầm đồ cổ chú ý.
Nếu địa phương kịp thời đầu tư, tôn tạo các ngôi nhà cổ, các đình làng cổ thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch bốn phương.