Du lịch Ba không
Con đường độc đạo quanh co gấp gãy dẫn vào khu du lịch hồ Phú Ninh vẻ như dài hơn thường ngày. Tiếng chim núi vọng ra hốt hoảng. Cảm giác rờn rợn. Lạnh ngắt. Thỉnh thoảng lắm mới gặp một người thồ củi, vài con bò thả rong, những đống phân bò khô cứng giữa lòng đường.
Căng mắt vượt “chướng ngại vật” nhưng tôi cũng kịp chiêm ngưỡng lòng hồ Phú Ninh lúc mở ra hình bán nguyệt, lúc uốn lượn tựa dải lụa mềm. Mênh mông. Trời nắng quay quắt. Cuối đường, vừa “chạm mặt” hồ, không khí mát lạnh ùa vào người.
Những tưởng chí ít cũng gặp vài người vãn cảnh sau cổng chào khu du lịch Phú Ninh, nhưng chỉ là “vườn không nhà trống”. Cụm nhà nghỉ cửa đóng then cài, trần nhà rơi gãy, treo lơ lửng trên đầu. Bàn ghế cái lỏng chỏng, cái xếp xó, bụi bám dày đặc. Chuồng thú chỉ còn những khung sắt trơ lạnh. 3 chiếc du thuyền nằm buồn thiu. Nhà vãn cảnh ngoài mé hồ dần mục ruỗng, nghiêng hẳn một bên, sắp đổ sụm xuống hồ. Đi quanh quất hồi lâu, cả khách và chủ đều vui mừng khi thấy mặt.
Anh Trần Quốc Phương - quản lý khu du lịch hồ Phú Ninh - ngồi khuất trong một góc chòi canh, cho biết: “Ở đây bây chừ trở thành khu du lịch Ba không: không khách - không chủ - không dịch vụ. Khu này ngừng hoạt động từ tháng 2.2010 đến nay để bàn giao từ chủ cũ sang chủ mới, riêng tui được giữ lại để tạm quản tài sản. Nghe đâu dự án mới đầu tư hoành tráng lắm. Mà chờ miết cũng chưa thấy chi. Lác đác cũng có khách đến chơi thì bàn đó, ghế đó, cây cối mát rượi, thích ngồi đâu thì ngồi”. Giọng anh buồn thiu giữa bát ngát thinh không.
Không gian yên tĩnh bất chợt tan đi khi có tiếng xe máy đỗ xịch. Một đôi nam nữ tay xách nách mang nào trái cây, nước uống, bánh mì. Hít một hơi dài tận hưởng không khí trong vắt, anh Thanh, chị Hà hớn hở: “Chúng tôi hơi sợ khi băng qua những khúc quanh co như đường đèo và hoang vắng. Nhưng đến nơi thì quả thật phong cảnh rất lý tưởng. May mà nghe người dân ven đường mách nước, chứ nếu vào hồ tay không, lỡ khát nước cũng gay.
Không riêng gì chúng tôi mà bạn bè ở TP.Tam Kỳ cũng rất thích dã ngoại hồ Phú Ninh. Nhưng chẳng lẽ đi một đoạn đường dài đến đây chỉ để ngắm cảnh, hóng gió khống khứ rồi về. Trước đây chúng tôi đã từng đến, tuy khu du lịch không mấy tiện nghi, nhưng cũng có vẻ gọi là… du lịch, có đưa, có đón, có ăn có chơi. Nay bỏ hoang thế này thì tiếc thật”.
Giao thời hoang phế
Tôi may mắn gặp lúc 3 cán bộ Cty CP TM Hùng Cường - “ông chủ mới” của khu du lịch hồ Phú Ninh vừa đặt chân lên đây để khảo sát. Anh Thắng đang lúi húi xem xét lại hệ thống máy của 3 chiếc du thuyền, lắc đầu: “Một chiếc phải cho nghỉ hưu dài dài, còn 2 chiếc “ở không” đã lâu nhưng chắc vớt vát được, phải tu bổ, chỉnh trang lại để kịp đưa vào phục vụ du khách”.
Nhìn những chiếc thuyền, cái nghếch mũi neo ở bến, cái nằm trơ tráo trên cạn, ông Trần Quốc Bảo - đại diện Cty CP TM Hùng Cường, tiếc nuối: “Ngừng hoạt động trong thời gian dài, nhìn cảnh tiêu điều của khu du lịch, khách đến nhưng dịch vụ không có, tôi cũng xót lắm. Nhưng khu du lịch đang trong giai đoạn chuyển giao từ Cty CP Lương thực - Dịch vụ Quảng Nam sang Cty CPTM Hùng Cường, quá nhiều việc phải làm, nên mọi thứ vẫn còn dang dở”.
Cũng theo ông Bảo, do các hạng mục trong khu du lịch vốn đã sử dụng từ quá lâu, lại không được đầu tư, tu sửa, thời gian qua bỏ không nên càng xuống cấp. Dịch vụ vui chơi, giải trí trước đây tuy có, nhưng nghèo nàn. Nếu có đoàn khách trên 40 người thì công tác phục vụ, dịch vụ, lưu trú… coi như bó tay.
“Hiện chúng tôi đang bước đầu sửa sang “chữa cháy”, chủ yếu dựng lại những cái sẵn có như phòng ốc, du thuyền, dịch vụ ăn uống, câu cá để hoạt động cầm chừng, tránh “bỏ hoang” khu du lịch. Còn dự án mới quy mô lớn gồm khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu dịch vụ trên đảo, làng nghề, điểm dân cư, suối nước khoáng… cần phải có thời gian, cả về vốn, để triển khai đầu tư mang tính tổng thể, lâu dài. Phía nam của tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp, tiềm năng khai thác du lịch không thiếu, nhưng vẫn “trắng” về dịch vụ du lịch. Chúng tôi mong muốn xây dựng hồ Phú Ninh thành điểm nhấn du lịch ấn tượng, xứng tầm”.
Có rất nhiều kỳ vọng đưa du lịch hồ Phú Ninh xứng tầm thành “thiên đường”. Từ năm 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt định hướng, quy hoạch tổng thể phát triển khai thác du lịch hồ Phú Ninh. Tháng 1.2009, sau rất nhiều họp hành, cân nhắc, lựa chọn, UBND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển giao, “gom về một mối” cho Cty CP TM Hùng Cường triển khai dự án đầu tư tổng thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quy mô lớn. Tháng 6.2009, Bộ VH-TT-DL công nhận hồ Phú Ninh là Di tích Lịch sử - Danh thắng quốc gia, và một buổi lễ trọng đã diễn ra ngay tại khu du lịch này để đón nhận bằng di tích. Nhiều “chứng chỉ” đã được cấp để khu du lịch này lên hạng.
Nhưng, thực tại khu du lịch lại đình trệ, cả về sự chuyển giao, triển khai của “chủ mới”, lẫn mọi hoạt động, và dòng du khách tìm đến hồ đã dứt hẳn gần một năm nay. Cổng chào trung tâm khu du lịch hồ Phú Ninh vẫn đứng đó hiên ngang nhưng đã nhuốm màu rêu mốc, mờ nhoè. Tôi như một du khách đơn côi, lạc lõng, không khỏi chạnh lòng giữa buổi trưa ở hồ tịch mịch. Mặt nước hồ lặng phắc. Lòng hồ vẫn thẳm xanh, ẩn chứa thăng trầm của một danh thắng.