Tây Nguyên: Vật báu bị săn lùng

Cập nhật: 07/07/2010
Cồng chiêng, và ché cổ là những vật linh thiêng của người Tây Nguyên, được gìn giữ và lưu truyền từ lâu đời. Thế nhưng hiện nay, cùng chung số phận với cồng chiêng thì ché cổ cũng đang bị ráo riết săn lùng. Ý thức bảo tồn ché cổ quí hiếm mai một dần, những bộ chiêng, ché cổ có hàng trăm năm tuổi đã được buôn bán, bởi những người thu mua đồ cổ ngày đêm sục sạo dạo khắp các làng bản...

Ché cổ vật thiêng của cộng đồng

Tây Nguyên nơi đại ngàn xanh thẳm, ngụ cư lâu đời đồng bào các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, K’Ho, M’ nông… Có nhiều tập quán sinh hoạt, nét văn hóa tương đồng, trong đó tập quán sử dụng ché – loại đồ vật làm bằng gốm, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hàng ngày. Vì vậy cùng với cồng chiêng, nhà nào có nhiều ché là thể hiện sự giàu có, thế lực trong buôn làng.

Tại thời điểm này, chưa thấy công trình nghiên cứu văn hóa nào thống kê các kiểu loại ché đang được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sử dụng. Bộ sưu tập ché của 5 dân tộc Giẻ Triêng (16 loại), Bana (5 loại), Brâu (10 loại), Gia Rai (13 loại), Xơđăng (27 loại) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum chưa hẳn là bộ sưu tập ché đầy đủ. Theo ông Trương Bi, PGĐ Sở VHTTDL Đắc Lắc, ngay cả những cư dân ở các bản làng nhiều khi không nhớ hết tên gọi của các loại ché. “Trong mỗi dòng ché khác nhau có những loại ché khác nhau. Và mỗi loại ché lại có nhiều cỡ ché với tên gọi khác nhau. Trong một số trường hợp, cùng một loại ché nhưng các tộc người có tên gọi khác nhau” – ông Trương Bi cho biết thêm.

Được du nhập vào Tây Nguyên, từ các tộc người Kinh, Chăm… và các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào…, ché được dùng để đựng nước, muối, gạo, thịt thú rừng, măng chua, đồ trang sức, ủ rượu cần… Do không biết làm nghề gốm nên người Tây Nguyên xưa rất coi trọng ché vì ché rất đắt, có khi là cả một gia tài lớn. Cùng với cồng chiêng, nồi đồng, trâu, voi, ở Tây Nguyên thời bấy giờ người càng có nhiều ché càng được kính trọng. Trong xã hội truyền thống Tây Nguyên, muốn mua ché, phải đổi bằng trâu, bò, voi Ngà dài…

Không chỉ có giá trị sử dụng, ché hàm chứa ý nghĩa tinh thần sâu xa. Theo quan niệm của người M’nông Gar (một nhánh của người M’nông), vì ché tròn tượng trưng cho nữ giới nên trong nghi lễ đặt tên cho các bé gái sơ sinh, phải dùng loại ché này để cúng. Anh Đ’Ru Men, nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng người dân tộc Gia Rai ở làng Phun, xã lamơnông, huyện ChưPah, tỉnh Gia Lai tâm tình: “Ché cũng như con người, cũng có gia đình, có sự sống”. Theo sự chỉ dẫn của già Bok, chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh Gia Lai và đã tận mắt chiêm ngưỡng những đôi ché vợ - chồng như ché tuk, ché pđông pi. Đặc điểm chung của các loại ché vợ là thấp hơn và có vùng bụng to hơn ché chồng… Lễ cúng đâm trâu, lễ kết nghĩa (anh - em - cha - con), lễ cưới, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cho bản thân mỗi đời người, lễ cúng tổ tiên, cúng Giàng… đều không thể vắng mặt ché. Gắn bó sâu sắc với mỗi đời người từ lúc sinh ra đến khi từ giã cõi trần và theo ra nhà mồ, ché có vai trò quan trọng trong đời sống các dân tộcTây Nguyên.

Đến xã Cư Ebua r, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chứng kiến những chiếc ché cổ vứt chỏng chơ dưới nhà sàn, ngoài rẫy chúng tôi nhức nhối lòng. Nhiều người dân ở buôn làng Ea Bông, thản nhiên nói “giờ cà phê nhiều, tiêu nhiều, nên phải đựng bằng thùng to, rượu bia thì bán đầy nên không ai dùng ché làm rượu cần nữa …’’ người dân không quan tâm đến giá trị văn hóa tinh thần.

Bởi thế đáng buồn là phần linh hồn nguồn cội của đồng bào đã và đang ngày đêm dời buôn bởi mốt sưu tầm hàng độc của tay buôn về phố… tuồn ra nước ngoài.

Chiêng , ché cổ bị săn lùng

Để tìm hiểu sự biến mất của những chiếc chiêng cổ, ché thiêng có tuổi đời hàng trăm năm và cuộc canh tranh không kém phần khốc liệt, giữa các nhóm săn lùng cổ vật, tại Buôn Đôn chúng tôi đi cùng với Minh Đ, một lái buôn đồ cổ ở TP.HCM.

“Đồ nghề” săn ché cổ của Minh Đ không phải là những xấp tiền dày cộm mà là lỉnh kỉnh xoong nồi, dao rựa, tô chén, mì tôm, thuốc lá, bột ngọt… Giá trị của lô hàng chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng. Minh giảng giải: Đồng bào không quan tâm đến đồ cổ. Thấy nó cũ, nó nhỏ, họ sẽ sẵn sàng đổi những cái ché to, bự hơn hay những món mà họ thấy có nhu cầu hơn như bột ngọt, xoong nồi!”.

Vượt qua nhiều ngọn núi, nhiều con suối, mệt mỏi, bơ phờ. Minh khoát tay, nháy mắt, hất hàm bảo: “Đến nơi rồi”. Đây là làng Ơi, thị trấn Ayun Pa, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, nơi mà theo Minh, còn chưa có nhiều tay buôn mò đến nên chắc chắn chuyến này sẽ “bội thu”.

Theo chân Minh, tôi được mục kích những ngón tiểu xảo săn lùng cổ vật, ché thiêng của gã lái buôn ma mãnh. Đến nóc nhà nào, gặp bất kỳ ai, gã đều lăng xăng mời thuốc, tặng quà làm quen. Đồng bào các vùng cao vốn quí khách thấy vậy liền xởi lởi “mời vào nhà tao chơi”, chỉ đợi có thế, Minh tranh thủ cơ hội láo liêng con mắt quan sát xem trong nhà có vật quý gì không rồi lên kế hoạch mua bán. Góc bếp, sàn nhà, gầm cầu thang. Mọi ngóc ngách, xó xỉnh trong nhà đều không thể thoát khỏi cặp mắt cú vọ của Minh. Gã sờ nắn, luôn miệng khen những chiếc gùi, cối giã gạo, tẩu thuốc có tuổi thọ hàng trăm năm, qua bao đời truyền lại trong từng ngôi nhà với vẻ thích thú. Gã kể: Chuyến trước, tôi vô đậm khi đổi một cái tivi cũ lấy hai cái bẫy, một cái nỏ, hai tẩu thuốc bằng ngà voi, 4 cái chiêng và 2 cái ché. Chỉ riêng cái tẩu thuốc ngà voi có tuổi đời gần 300 năm, qua hàng chục đời tù trưởng đã có đại gia đánh tiếng trả tôi cả ngàn đô (USD) nhưng tôi chưa muốn bán!”.

Tại nhiều buôn làng, ngoài Minh, chúng tôi còn gặp nhiều gã lái buôn cổ vật khác cũng lỉnh kỉnh nồi niêu xoong chảo len lỏi khắp xó xỉnh. Tại Buôn Đôn, thấy tôi ngạc nhiên về việc một cây cung, một cái nỏ và một cái ché cổ xưa được đổi lấy cái đầu đĩa Trung Quốc giá khoảng 300.000 đồng, anh M’Kông gãi đầu: “Mấy cái cung nỏ đó, cũ quá rồi mà. Vả lại, bây giờ rừng đâu còn con thú nào nên mình không còn dùng nó nữa rồi. Bắn cung nỏ không bằng bắn súng săn đâu… Còn cái ché kia, nó nhỏ xíu thôi. Đựng không được nhiều, để nó chật nhà lắm. Mình đổi lấy cái phát hình này tốt hơn múa nè, đánh nhau nè, vợ con mình thích nó lắm đó. Tạm biệt Tây Nguyên rời khỏi buôn làng, chúng tôi mang theo nỗi buồn, trăn trở của Gìa làng Y Thia và những người tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên: Chỉ lo sau này con cháu không còn biết vật thiêng của buôn làng là gì nữa.

Làm gì để níu giữ phần hồn thiêng của ngàn xanh, đó là điều mà những người có trách nhiệm cần nghĩ đến. Tây Nguyên hiện vắng bóng dần cồng chiêng, nay lại quặn lòng ché cổ “ra đi” thì mai này, còn gì là bản sắc riêng trên quê hương huyên thoại, gió ngàn mà nhiều người hằng yêu mến.

Bài và ảnh: Khoa Thanh

 

Nguồn: Báo Du lịch