Tan hoang Bản Hồ

Cập nhật: 23/07/2010
Bất cứ du khách nào lên Sa Pa (Lào Cai) đều nhất định khoác balô vào ở "homestay" vài hôm tại Bản Hồ, ngắm ruộng bậc thang, tắm suối La Ve và dạo chơi trên những sườn đồi xanh mơn mởn.
Thế nhưng, làng du lịch cộng đồng  hoang sơ giữa thiên nhiên nức tiếng cả nước giờ chỉ còn là dĩ vãng. Với sự bủa vây của 3 công trình thủy điện đang ngày đêm thi công, Bản Hồ và cả con đường uốn lượn quanh thung lũng Mường Hoa xinh đẹp hóa thành nỗi khiếp sợ của không ít du khách khi "lỡ dại" vào đây những ngày này.

Con đường đau khổ

Tôi vào Bản Hồ vào những ngày tháng bảy – thời điểm du lịch tấp nập nhất của làng du lịch cộng đồng nổi tiếng này. Thế nhưng để vào được đến nơi, con đường rải nhựa uốn quanh thung lũng Mường Hoa vốn làm bay bổng không ít du khách giờ đây trở thành nỗi khiếp đảm. Vừa băng qua những rặng trúc mát rượi, những tưởng được yên thân phóng xe vi vu hít thở trời mây, chiếc xe máy cà khổ thuê ở thị trấn nay lại càng xập xệ thảm hại trước những ổ voi, ổ gà to tướng chắn ngang trên đường. Mặt đường nhựa êm ru ngày nào giờ bị nứt toác nhiều nơi, gồ ghề khiến người và xe cứ như “lên bờ xuống ruộng”.

Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm vì sắp thoát khỏi con đường đau khổ khi chỉ còn cách xã Bản Hồ hơn 3km thì tôi bỗng “tá hỏa” khi chứng kiến cung đường trước mặt: Bùn đất không biết từ đâu ra nhão nhoét, bẩn thỉu hẳn một đoạn dài. Từng vũng nước từ trận mưa sáng sớm vẫn đọng lại trên mặt đường như muốn trêu ngươi người qua lại. Con đường trở nên chật chội, hai chiếc xe Win cứ chen lên nhau mà đi khiến người và xe đi sau “lĩnh đủ”. Trên đường đi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe du lịch nào chở khách hay những đoàn khách tây “balô” ríu rít kéo nhau vào Bản Hồ như mọi khi.

Vừa cật lực chống chọi với chặng đường hơn 10km đầy gồ ghề bẩn thỉu, như một thói quen, tôi vừa tranh thủ phóng mắt xuống thung lũng để tìm những khoảnh ruộng bậc thang xanh mởn vào mùa lúa trổ đồng. Lần nào lên Sa Pa, tôi cũng dừng ở cung đường cao nhất thung lũng, tấp xe vào lề đường rồi mê mẩn ngắm từ trên cao những đường cong tuyệt đẹp của ruộng bậc thang giữa thung lũng Mường Hoa trong cái nắng vàng ươm của buổi sáng mùa hè. Song chưa kịp gạt chân chống xe để thỏa sức ngắm nhìn thiên nhiên, tôi bỗng sững sờ như không tin vào mắt mình: Ruộng bậc thang vẫn còn đó, nhưng thay vì màu xanh non mởn của lúa, chỉ có một màu đỏ quạch của đất - những vệt đất còn rất mới vừa bị xẻ ra, làm mất hết đường nét của ruộng bậc thang. Nhiều bờ ruộng bị bỏ hoang, xác xơ cỏ cháy, nhìn tan hoang đến thảm hại. Và giữa thung lũng Mường Hoa, con suối La Ve – “linh hồn” của thung lũng cuộn lên những dòng nước đục ngầu, lòng suối trơ ra những tảng đá lởm chởm...

Bản Hồ thành đại công trường

Cuối cùng cũng dừng chân ở Bản Hồ. Bao trùm lên toàn thị xã là không khí vắng lặng. Hàng quán dịch vụ đóng cửa im ỉm, cây cối xơ xác nhuộm màu bùn đất đỏ quạch. Cứ dăm phút lại có vài chiếc xe tải chở đất cát ầm ầm phi vào xã, thả bụi mù mịt. Chiếc cầu dây bắc ngang suối La Ve rung lắc lên từng đợt. Tìm khắp xã mới thấy duy nhất một quán ăn vẫn hoạt động, chủ yếu phục vụ cho các cán bộ làm việc tại xã và một vài khách vãng lai. Tôi hỏi anh Huy – một người dân trong xã đang sì sụp uống rượu về sự vắng lặng chán ngắt của địa điểm du lịch nổi tiếng này thì anh khoát tay vẻ bất mãn: “Ôi dào, hàng mấy tháng nay đã như vậy rồi. Đường sá thì bị băm nát, suối thì đục ngầu chả tắm được, cây cối thì chết khô vì bụi cát. Thử hỏi khác nào du lịch hành xác?”.

Vắng khách du lịch, không ít người dân trong xã thất nghiệp. Xe ôm không có khách, hàng quán phải đóng cửa. Các dịch vụ tắm suối, tắm thác cũng chẳng có khách mà phục vụ. Chị Tâm – một trong những chủ quán tạp hóa hiếm hoi còn mở cửa trong xã vào thời điểm này, rầu rĩ: “Hàng hóa bán chậm lắm. Bình thường mỗi tháng phải có đến vài chục lượt ôtô nườm nượp ra vào thăm thú. Bây giờ thì cả tháng chờ mãi họa hoằn mới có một chuyến. Mà khách đã đến rồi thì mới thấy là mất công mất sức chứ có được gì đâu!”.

Chưa dứt lời thì vừa có một đoàn khách du lịch khoảng hơn 10 người tiến ôtô vào xã. Quả đúng như lời chị Tâm, khách phương xa từ miền Nam đến, bao nhiêu sự kỳ vọng vào làng du lịch Bản Hồ hoang sơ trong lành bỗng sụp đổ. Sự thất vọng và chán nản thể hiện trên khuôn mặt của những vị khách du lịch đến không đúng lúc. Đường dẫn ra thác La Ve nhão nhoét bùn đất do vừa có trận mưa lúc sáng. Đến nơi thì suối đục ngầu, tịnh không một bóng người. Đoàn khách quầy quả quay ra thì gặp ngay một chiếc xe ải đang ùn ùn chở đất vào.

Ngán ngẩm nhìn làn bụi mù mịt, du khách tên Hoàng buông tiếng thở dài: “Vừa mới năm ngoái tôi vào, cảnh quan vẫn ngon lành, không ngờ chỉ hơn một năm mà Bản Hồ trở nên tan hoang như thế này. Giờ đưa cả gia đình nhà vợ về thăm mà suối chẳng tắm được, hàng quán cũng chẳng có nơi nào tử tế mà ăn, thật không biết nói sao!”.  Loay hoay một lúc, đoàn khách đành lên xe quay về Sa Pa, bỏ lại sau lưng những cái nhìn ái ngại của người dân bản xứ..

Lời hứa theo… mây ngàn?

Xã Bản Hồ có 3 nhà máy thủy điện Nậm Toóng, Sử Pán II và Seo Choong Hồ đang trong quá trình xây dựng. Việc một lúc cả ba nhà máy tiến hành thi công với cường độ lớn đã ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái của xã. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ - ông Đào Văn Vinh, bức xúc: “Riêng trong tháng sáu không hề có một đoàn khách du lịch nào. Ngành du lịch giảm 80% lượng khách so với cùng kỳ, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đường sá cảnh quan đang bị tàn phá hết rồi. Chúng tôi đã có ý kiến với phía đơn vị thi công nhưng không hề có một sự phản hồi cũng như sự hợp tác nào”.

Từ năm 2009, khi tình trạng ngày càng xấu đi, UBND huyện Sa Pa đã trực tiếp xuống xã đề nghị Cty thủy điện Nậm Toóng không được đổ đất trực tiếp xuống suối La Ve và phải có bãi thải riêng, song Cty này vẫn ngang nhiên đổ đất xuống suối khiến dư luận rất bức xúc. “Phía các Cty thủy điện đã chi trả cho mỗi cơ sở kinh doanh tắm suối mỗi tháng 3 triệu đồng gọi là đền bù. Nhưng khi xây dựng xong rồi, nguồn nước sạch biết có khôi phục được nữa không?” – ông Vinh gay gắt.

Thực tế, việc phê duyệt xây dựng quá nhiều dự án thủy điện tại địa bàn huyện Sa Pa (17 dự án) ngay lập tức đã gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía dư luận. Trước đó, tại cuộc họp ngày 31.3, UBND tỉnh Lào Cai đã trực tiếp thừa nhận việc 5 dự án đang thi công tại huyện Sa Pa gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, cảnh quan và đời sống người dân. Cơ quan này đã yêu cầu chủ đầu tư 5 dự án thủy điện đang thi công (trong đó có 3 dự án thủy điện tại Bản Hồ) có báo cáo đánh giá tác động môi trường cụ thể và cam kết bảo vệ môi trường. Các dự án chưa triển khai thi công và chưa có nhà đầu tư sẽ tạm dừng cho đến khi có những báo cáo cụ thể về mức độ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cũng khẳng định: “UBND tỉnh chỉ đạo huyện tạm thời dừng hoạt động các dự án chưa có nhà đầu tư đồng thời yêu cầu các nhà máy đã triển khai xây dựng phải rà soát và có báo cáo tác động môi trường cho huyện”. Tuy nhiên khi được hỏi về báo cáo này thì ông Vĩnh trả lời rằng thời gian từ lúc thông báo đến nay mới chỉ... ba tháng nên chưa có. Khi được hỏi về việc khắc phục ô nhiễm nguồn nước tại suối La Ve, ông Vĩnh quả quyết là các DN hứa sớm khôi phục môi trường quanh xã, san gạt đất, trồng lại cây nhằm hoàn trả môi trường như ban đầu. Vị lãnh đạo huyện còn làm một phép tính xem chừng khá đơn giản: “Theo tiến độ thì khoảng 1 – 2 năm nữa sẽ hoàn thành việc xây dựng các công trình thủy điện và trong 2 – 3 năm nữa thôi, môi trường xã Bản Hồ sẽ ổn định trở lại(!?)”.

Không biết những lời cam kết trên dựa theo căn cứ nào và sẽ được thực hiện đến đâu, song với đà này, Bản Hồ và thung lũng Mường Hoa xinh đẹp – nơi đã được hình thành từ hàng trăm năm lịch sử sẽ sớm bị “xóa sổ” trong bản đồ du lịch của nước ta nếu không kịp thời khôi phục ngay những ảnh hưởng quá quá nặng nề đến môi trường, cảnh quan bởi hàng loạt công trình thủy điện được phê duyệt “vô tội vạ”.

 

Nguồn: Báo Lao Động