Buổi tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Mạng lưới Sông ngòi (VRN) phối hợp cùng Trung tâm Henry L. Stimson (Mỹ) tổ chức, với sự có mặt của đại diện các cơ quan chính phủ, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ trong-ngoài nước..., đã cung cấp một bức phác họa về tình hình phát triển thủy điện trên dòng Mê Kông, những tác động đối với môi trường, xã hội và sinh kế của người dân, đồng thời đưa ra những khuyến nghị vì mục tiêu phát triển bền vững của lưu vực.
Cơn khát năng lượng và những hệ lụy từ phát triển thủy điện
Trong khi các nguồn năng lượng khác chưa đủ hiệu quả kinh tế để hấp dẫn các nhà đầu tư và hoạch định chính sách, thủy điện vẫn là lựa chọn hàng đầu cho cơn khát năng lượng vì mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, trong khi lợi ích kinh tế của nguồn năng lượng này, về ngắn hạn, là khó có thể chối cãi thì những hệ lụy mà các con đập thủy điện gây ra đối với môi trường, xã hội và sinh kế của người dân lại luôn là vấn đề. Điều này một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ tại buổi tọa đàm.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Ts. Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về 8 dự án đập lớn trên thượng nguồn của Trung Quốc và 11 dự án đang được lên kế hoạch tại hạ nguồn, trong khi các đập thủy điện đang hoạt động đã chứng tỏ những tác động tiêu cực lên môi trường và sinh kế của người dân.
Những tác động ấy được cụ thể hóa bằng ảnh hưởng tới chế độ thủy văn, lưu lượng dòng chảy, “nhịp lũ”, độ bồi đắp phù sa, dòng di cư của cá, đa dạng sinh học, rừng, đất nông nghiệp... và kèm theo đó là những ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn, hàng triệu con người do phải di chuyển chỗ ở, mất sinh kế, suy giảm nguồn lợi thủy sản, nông sản...
“Trên thực tế, một số nước Đông Nam Á đã từng bị ảnh hưởng do việc xả lũ bất ngờ và giảm lưu lượng phù sa do những công trình thủy điện lớn tại Vân Nam, Trung Quốc gây ra. Nay họ lại phải đối mặt với những nguy cơ mới, xuất phát từ kế hoạch xây dựng 11 con đập trên dòng chính Mê Kông tại Lào, Thái Lan và Căm-pu-chia.” – Ts. Cronin phát biểu.
Tiến sĩ Richard Cronin cũng chia sẻ mối lo ngại về nguy cơ xoá sổ ngành đánh bắt thuỷ sản thương mại tại lưu vực này. Bởi lẽ đến nay các chuyên gia thủy sản đã khẳng định, bất chấp các nỗ lực giảm thiểu, việc tạo luồng di cư cho cá tránh các đập thủy điện chưa bao giờ thành công tại Mê Kông.
Minh họa cho điều này, bộ phim “Mê Kông – Dòng sông quá tải” do Trung tâm Stimson thực hiện, được PanNature chuyển ngữ và giới thiệu tại buổi tọa đàm đã dẫn câu chuyện về con đập Don Sahong tại khu vực thác Kohne phía Nam Lào, nơi mỗi năm có khoảng 200 loài cá có giá trị thương mại di cư qua để về nơi sinh sản. Theo ước tính của Trung tâm Nghề Cá Thế giới, con đập Don Sahong sẽ phá vỡ chu kỳ sinh sản bình thường của cá và ảnh hưởng tới 70% sản lượng cá đánh bắt tại hạ nguồn sông Mê Kông.
Như vậy, để có được doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, các con đập thủy điện có thể gây thiệt hại hàng tỉ đô la do phá vỡ nguồn lợi thủy sản, mất việc làm và ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế khác phụ thuộc vào dòng sông này.
Đặc biệt, đối với Việt Nam, một trong những nước ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, lại là nước nằm cuối nguồn sông Mê Kông, những tác động này được đánh giá là trầm trọng hơn. Như Ts. Đào Trọng Tứ nhận xét: Việt Nam sẽ phải chịu tác động kép – mất đất và xâm nhập mặn ở vựa lúa ĐBSCL do biến đổi khí hậu và tác động từ quá trình phát triển trên thượng nguồn khiến nguồn cá suy giảm, chế độ dòng chảy thay đổi, độ màu mỡ của đất giảm...
An ninh môi trường, sinh kế và bài toán lượng giá tác động
Nhận định rằng xu hướng phát triển trên dòng Mê Kông hiện nay chưa đặt mối quan tâm đúng mức tới an ninh môi trường, xã hội và sinh kế, Ts. Richard Cronin phát biểu: “Vì không phải là ngư dân và nông dân, những người mà nguồn sống phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên của dòng Mê Kông, các nhà đầu tư phát triển quan tâm trước nhất tới sản lượng điện, tới lợi ích kinh tế mà các dự án phát triển sản sinh được.”
Ts. Richard Cronin cũng cho rằng việc đáp ứng nhu cầu năng lượng là thỏa đáng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có nên đánh đổi lợi ích kinh tế với những tác động và hệ lụy về môi trường và sinh kế hay không? Câu trả lời trở nên phức tạp hơn vì đây là vấn đề xuyên quốc gia, khi mà trong nhiều trường hợp, lợi ích kinh tế lại do một nước thụ hưởng và hệ lụy môi trường lại là gánh nặng cho nước khác. Còn trong trường hợp khác, ví dụ với nước hạ nguồn Lào, khi mà việc xuất khẩu điện rõ ràng mang lại lợi ích kinh tế cho họ thì bài toán đánh đổi giữa nguồn thu từ xuất khẩu và thiệt hại do ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề mà các nhà hoạch định cần giải quyết, theo Ts. Richard Cronin: Các đập thủy điện sau 10 năm hoặc hơn nữa mới có thể hoàn thành và sinh lợi. Vậy khoảng trống về an ninh lương thực, về sinh kế của người dân trong khoảng thời gian ấy được lấp đầy bằng cách nào?
Có một thực tế là trong khi những lợi ích kinh tế có thể nhìn thấy được thì những tác động về môi trường, xã hội lại khó quan sát hơn. Chính vì thế, theo Ts. Đào Trọng Hưng - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - việc lượng giá các tác động môi trường, xã hội, văn hóa là vô cùng cần thiết để đánh giá cái được – mất trong các dự án phát triển và từ đó xem xét có cần thiết phải đánh đổi hay không.
Theo Ts. Cronin, việc giải quyết bài toán lượng giá được- mất còn đặc biệt quan trọng và trở nên phức tạp hơn khi lợi ích kinh tế từ thủy điện và an ninh năng lượng ở hạ nguồn không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào một “ông lớn” trên thượng nguồn. Bởi lẽ, các con đập ở hạ lưu không thể vận hành nếu các con đập lớn của Trung Quốc tích nước trên thượng nguồn vào mùa khô.
Giải pháp mang tên Hợp tác - Tri thức - Thông tin và Xã hội dân sự
Là một con sông quốc tế, rõ ràng việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong lưu vực Mê Kông là điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển cân bằng, hài hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên, sự hợp tác trong quản lý tài nguyên nước giữa các nước trong lưu vực Mê Kông hiện vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập năm 1995 với sự vắng mặt của 2 nước Trung Quốc và Myanmar đến nay vẫn chưa gánh vác được sứ mệnh mà nó tuyên bố và đáp ứng sự mong đợi của các nước thành viên.
Hiện Trung Quốc vẫn từ chối chia sẻ toàn bộ các thông tin quan trọng về các dự án đập và kết quả nghiên cứu về môi trường và thuỷ văn của họ. Hơn nữa, Trung Quốc trước sau vẫn một mực phủ nhận trách nhiệm về các tác động từ hoạt động phát triển trên thượng nguồn đối với hạ lưu, đồng thời còn khẳng định là họ chỉ “làm lợi” cho các nước hạ nguồn bằng chức năng điều tiết lưu lượng nước của các con đập.
Song, trong khi việc kêu gọi Trung Quốc và Myanmar vào MRC luôn được ưu tiên, thì một câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu 4 nước thành viên MRC đã thực sự đồng thuận và thống nhất vì sự phát triển bền vững của lưu vực này? Câu trả lời, rất tiếc, lại không được mong đợi. Theo Ts. Đào Trọng Tứ, ngay cả quy chế giữa các quốc gia về thông báo và tư vấn giữa các nước thuộc MRC về các dự án đập trên dòng chính hiện vẫn chưa được thực thi đầy đủ, chứ chưa nói đến các cam kết xa hơn.
Nói về sự hợp tác của Mỹ đối với lưu vực này, Ts. Cronin cho biết, Mỹ và Việt Nam cùng quan tâm đến dòng sông này và đã nhìn thấy các tiềm năng về thương mại, sinh kế, môi trường... mà dòng sông mang lại. Mối quan tâm này của Mỹ phần nào được thể hiện bằng Sáng kiến hạ lưu Mê Kông (LMI) công bố tại Hội nghị ASEAN 2009 nhằm giúp các nước trong lưu vực tăng cường năng lực, phát triển công nghệ để quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Kông.
Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng hơn là bản thân các nước trong lưu vực cần nâng tầm mối quan hệ hợp tác để tìm ra các giải pháp công bằng và thân thiện môi trường vì lợi ích chung của cả lưu vực Mê Kông. Và đặc biệt, vì là nước hạ nguồn chịu nhiều thiệt thòi, Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các dự án phát triển trên dòng Mê Kông từ các nước láng giềng.
Ông Timothy Hamlin - Trung tâm Stimson - thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thông tin, tri thức và sự tham gia của các tổ chức xã hội là rất cần thiết để cứu dòng Mê Kông. Theo ông, các nghiên cứu khoa học đồ sộ về tác động của các dự án phát triển trên dòng Mê Kông rất cần được các tổ chức xã hội dân sự chuyển tải thành những thông tin súc tích, dễ tiếp cận để gửi tới chính phủ, tới các nhà hoạch định chính sách, giúp họ có các quyết sách đúng đắn, cân nhắc hợp lý các hệ lụy đi kèm.
Thêm vào đó, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng nhất trí rằng các tổ chức xã hội dân sự cần đóng góp hơn nữa những tiếng nói phản biện, tiếng nói thể thiện nguyện vọng của những người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển tới các quyết định của chính phủ.
Trong bộ phim Tan chảy ở Tây Tạng của mình, M.Buckley - một nhà làm phim tài liệu Canada có nói: “Cách tốt nhất để giết chết một dòng sông là xây trên đó những con đập”. Hy vọng bây giờ chưa phải quá muộn để các nước trong lưu vực cùng cân nhắc lại việc xây dựng những con đập thủy điện và các dự án phát triển được cho là đang “bức tử” dòng sông Mẹ này.