Khi cát đen... chen du lịch

Cập nhật: 17/08/2010
Chỉ có 18 dự án khai thác cát đen (titan) nhưng đã làm tỉnh Bình Thuận lúng túng khi hơn 410 dự án du lịch đã và đang triển khai bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự xuống cấp của môi trường tự nhiên lẫn môi trường đầu tư.

Du lịch kêu cứu

Theo Sở VHTTDL Bình Thuận, một trong những khu vực khai thác cát đen ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch hiện nay thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Không chỉ Bắc Bình mà khu vực tiếp giáp là khu du lịch dã ngoại Hòn Rơm-Mũi Né có 13 doanh nghiệp hoạt động vẫn đang kêu cứu hằng ngày.

Do vùng biển này là bãi ngang, ít sóng gió nên nước thải từ hoạt động tuyển cát đen trôi xuống chỉ quanh quẩn khu vực gần bờ làm ảnh hưởng đến nhu cầu vui chơi trên biển của du khách. Một doanh nghiệp bức xúc: “Bên cạnh ô nhiễm biển, một đảo nhỏ ở vùng biển này là hòn Nghề vốn quanh năm xinh tươi, nay thảm thực vật và rạn san hô đang chết dần đã không còn hấp dẫn du khách...”.

Bình Thuận xác định du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Và để tiếp tục giữ vững mục tiêu phát triển này, chúng tôi đang tính toán biện pháp dung hòa cho cả hai ngành Du lịch và Khai thác khoáng sản. (Ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận).

Cùng chung cảnh ngộ là dải bờ biển vốn thơ mộng của khu vực Hàm Tân-La Gi, nơi có 2 đơn vị khai thác cát đen là Hải Tinh và Tân Quang Cường. Bên cạnh  việc ô nhiễm môi trường sinh thái do nước mặn, những hầm, hố cát đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên, làm “chùn tay” những nhà đầu tư du lịch dù đã được cấp phép.

Số dự án đã triển khai quá ít ỏi mấy năm qua tại khu vực được xem là trọng điểm phát triển du lịch phía Nam tỉnh phản ánh phần nào ảnh hưởng của vấn nạn cát đen! Tại khu vực Tiến Thành-Hàm Thuận Nam, việc đối tác nước ngoài rút khỏi dự án xây dựng khu du lịch Life Resort chính là do lo ngại dự án khai thác cát đen được cấp phép bên cạnh. Và khi Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Hợp Long chính thức khai thác cát đen đã có thêm 5 dự án liền kề Life Resort phản ứng vì sợ ảnh hưởng môi trường tự nhiên.

Theo thống kê, trong số hơn 410 dự án du lịch được tỉnh Bình Thuận cấp phép hiện có hơn 140 dự án đi vào hoạt động, riêng huyện Bắc Bình có 34 dự án đến nay chỉ có 2 dự án dở dang. Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Tính đến hết tháng 7.2010, toàn tỉnh có 79 dự án du lịch bị chồng lấn, 63 dự án nằm ngoài ranh giới nhưng thuộc khu vực đề nghị thăm dò cát đen theo đề án điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Du lịch hay cát đen?

Trước bức xúc của doanh nghiệp, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần đề nghị Trung ương có biện pháp “giải cứu” ngành Du lịch vì nơi nào cũng có cát đen! Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đến tháng 10 đề án điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan mới hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có kiến nghị bỏ qua những vùng có trữ lượng thấp, khai thác theo từng vùng trọng điểm để ưu tiên cho du lịch.

Đối với những địa điểm giàu titan để dự trữ quốc gia từ 50-100 năm thì cho phép các dự án không xây dựng kiên cố và không mang tính lâu dài được đầu tư. Riêng đô thị du lịch Long Sơn – Suối Nước (Phan Thiết) đã quy hoạch nhưng do xác định có trữ lượng hơn 2,9 triệu tấn, tỉnh cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định khai thác cát đen hay xây dựng đô thị du lịch (?!).

Đối với các dự án đang khai thác cát đen, tỉnh sẽ có nhiều biện pháp để dung hòa lợi ích đôi bên. Như với dự án khai thác của Công ty Hợp Long, tỉnh buộc chủ đầu tư phải bảo đảm khoảng cách an toàn cho các dự án du lịch và cam kết triển khai một số biện pháp để tránh ô nhiễm nguồn nước cũng như công tác hoàn thổ, tạo dựng cảnh quan ngay sau khi dự án kết thúc. Đối với các đơn vị khác nếu phát hiện khai thác cát đen có vi phạm và làm ô nhiễm môi trường sẽ kiên quyết xử lý bằng nhiều hình thức từ phạt hành chính, tạm đình chỉ hoạt động cho đến đề nghị các cơ quan thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động.

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận năm 2010 và các năm tiếp theo, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm khoảng 39-40%, dịch vụ du lịch chiếm 40% đồng nghĩa với việc địa phương tập trung khai thác các thế mạnh và tiềm năng sao cho hiệu quả nhất.

Nguyên Vũ

 

Nguồn: Báo Văn hóa