Tự hào dân tộc xen lẫn nỗi lo bảo tồn

Cập nhật: 17/08/2010
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới có giá trị toàn cầu mang ý nghĩa to lớn với dân tộc Việt Nam, nhất là khi Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào dân tộc, là nỗi lo trong công tác bảo tồn. Xung quanh vấn đề trên, PV Báo Du Lịch đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Sơn (ảnh) – Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội.

PV: Thưa ông! Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Ông có thể cho biết giá trị và ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này?
Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc Hoàng thành Thăng Long chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới không chỉ mang lại niềm vui, mà còn nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc đối với hàng triệu người dân Việt Nam. Khẳng định những giá trị lịch sử mang tính toàn cầu của khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

PV: Bên cạnh niềm vui của cả dân tộc, vấn đề đặt ra lúc này là giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những hoạt động gì để bảo tồn Di sản?
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới là cơ sở pháp lý để việc triển khai tôn tạo, bảo vệ di tích được dễ dàng hơn; di tích cũng có điều kiện tiếp cận với công nghệ bảo tồn di sản tiên tiến trên thế giới tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, nếu chúng ta không làm đúng theo công ước quốc tế về bảo vệ di sản thì danh hiệu có thể bị thu hồi. Trường hợp xây cầu bắc qua thung lũng tuyệt đẹp Elbe ở Dresden (Đức) là một ví dụ. Vì vậy, cùng với niềm tự hào được vinh danh, ngay bây giờ từ các cơ quan hữu quan đến mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc bảo tồn di sản.

Hiện UBND TP. Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - thành cổ Hà Nội đã hợp tác với nhiều nước có kinh nghiệm trong vấn đề này như Pháp, Nhật... để chuẩn bị các phương án bảo tồn di sản trong khu Hoàng thành Thăng Long và thảo ra quy hoạch phát triển sơ bộ cho khu vực này, khi trở thành một di tích trọng điểm đón khách tham quan trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là việc làm hết sức quan trọng nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Bởi những di vật, dấu tích quan trọng từ thời kỳ Thăng Long vẫn còn ẩn chứa dưới lòng đất, vấn đề đặt ra đối với bảo tồn, quy hoạch phải cân nhắc đến tầm quan trọng của các lớp khảo cổ dưới lòng đất và bất kỳ một hoạt động nào đào xuống lòng đất đều phải có sự can thiệp, giám sát của khảo cổ, để đưa ra kỹ thuật bảo tồn tốt nhất, từ đó vạch ra định hướng chung và những giải pháp về kỹ thuật bảo tồn. Trong khi đó, với những di tích trên mặt đất Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc, Cột Cờ, thềm điện Kính Thiên và các di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng tôi bảo tồn nguyên trạng tại chỗ, chủ yếu là chống rêu mốc, độ ẩm và xói mòn trong điều kiện tự nhiên.

Đối với di vật còn nằm trong hố khai quật cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu theo hướng liên ngành, đa ngành và liên cơ quan trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế theo hướng song phương và đa phương. Nhưng khó khăn ở chỗ, nếu chờ nghiên cứu xong thì nhiều di vật đã bị xuống cấp hoặc đứng trước nguy cơ bị hủy hoại hoặc do tác động của ánh sáng, độ ẩm và sự thay đổi môi trường. Còn đối với các di vật đã đưa khỏi hố khai quật hiện đang được nghiên cứu phân loại và bảo quản tại các kho tạm và rất nhiều di vật là gạch, ngói, đá đang để ngoài trời cũng cần có kho bảo quản và phương pháp bảo quản hợp lý. Nhiệm vụ bảo quản hàng triệu di vật này cũng rất nặng nề. Trước mắt cần có kế hoạch xây dựng kho bảo quản di vật ngay trong khu Hoàng thành theo hướng kho mở để vừa phục vụ khách tham quan, vừa phục vụ công tác nghiên cứu.

PV: Được biết, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ chính thức mở cửa đón du khách trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong thời gian tới BQL sẽ có những chương trình gì để phục vụ du khách?
Về vấn đề này, BQL đang nỗ lực chuẩn bị tốt nhất để mở cửa đón du khách. Trong dịp Đại lễ, lượng du khách sẽ đến rất đông, chúng tôi đang chỉnh trang bố trí các đường tham quan. Đồng thời tổ chức trưng bày các di vật, trưng bày cây cảnh, sẽ trưng bày hoa Đà Lạt ở Đoan Môn. Buổi tối sẽ tổ chức một số chương trình văn hóa văn nghệ do Sở VHTTDL Hà Nội chủ trì, sẽ mời các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước biểu diễn ở Đoan Môn. Đồng thời chuẩn bị đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên để phục vụ khách tham quan, phối hợp với các trường ĐH, CĐ để đào tạo, tuyển dụng đội ngũ hướng dẫn viên… Tất cả để phục vụ tốt nhất cho du khách trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Ninh – Bá Phúc (thực hiện)