Ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội

Cập nhật: 24/08/2010
Hà Nội là nơi quy tụ nhiều làng nghề, tạo ra đặc trưng văn hóa xã hội riêng. Do đặc điểm sản xuất nhỏ lẽ, manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường làng nghề đã và đang tác động xấu đến đời sống sức khỏe của cộng đồng cư dân trong làng.

Ô nhiễm ngày càng tăng

Hà Nội là nơi quy tụ nhiều làng nghề, tạo ra đặc trưng văn hóa xã hội riêng. Do đặc điểm sản xuất nhỏ lẽ, manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường làng nghề đã và đang tác động xấu đến đời sống sức khỏe của cộng đồng cư dân trong làng. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có 1270 làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Cùng với quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều. Trong khi đó, việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. GS.TS Đặng Kim Chi, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ô nhiễm làng nghề mang đặc thù của hoạt động sản xuất theo nghành nghề, loại hình sản phẩn và tác động trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí trong khu vực dân cư sinh.

Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có mức độ ô nhiễm rất cao. Nước thải nguồn trong dây chuyền sản xuất tại các làng nghề ươm tơ, dệt nhuộm có độ màu rất cao (COD = 1000mg/l, độ màu = 4000 PtCo) đã gây ô nhiễm nước nặng nề. Số liệu điều tra cũng cho thấy, nước thải của các làng nghề tái chế gia công chứa kim loại nặng đã vượt  tiêu chuẩn cho phép từ 2.5 đến 9 lần. Còn các l àng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ gây ô nhiễm môi trường không khí khá nghiêm trọng. Các làng này sử dụng nguyên liệu chủ yếu là than, dầu, đây chính là nguồn phát thải bụi, khí SO2 vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Khu sản xuất các làng nghề nằm xen kẽ với khu dân cư nên không chỉ người trực tiếp sản xuất mà mọi thành viên trong khu dân cư và vùng phụ cận đều chịu tác động xấu của môi trường đến sức khỏe và sinh hoạt.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là do quy mo sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất tại các làng nghề phần lớn là tự phát nên hạn chế vốn, không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Hơn nữa, trình độ lao đọng thấp, kiến thứ về bảo hộ lao động, về môi trường không được trang bị. Công nghệ thiết bị phục vụ sản xuất phần lớn là lạc hậu, 70% công nghệ thủ công sơ chế.

Bên cạnh đó, do sống trong cùng một làng, có quan hệ dòng tộc láng giềng, nên việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm chưa kiên quyết, còn nặng tình cảm, áp lực cộng đồng không mạnh mẽ.

Giải pháp mang tính đồng bộ

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề cần tiến hành nhiều biện pháp. Thứ nhất là cần đưa ra quy định chuyên biệt đối với hoạt động sản xuất nghề tại các làng ở nông thôn, tức là có yêu cầu đặc điểm sản xuất, trang thiết bị đối với các cơ sở sản xuất. Theo GS.TS Đặng Kim Chi: " Các quy định nhằm bảo vệ môi trường làng nghề muốn có hiệu quả cần lồng ghép trong nội dung của hương ước làng".

Thứ hai là nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề môi trường làng nghề. Trong sinh hoạt của hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, các trường học...có thêm nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của người làm  nghề và người dân sống trong làng về bảo vệ môi trường.

Nhằm siết chặt công tác quản lý môi trường tại địa phương cần thiết lập hệ thống tại cấp xã. Cơ sở cấp xã có nhiều làng nghề tăng cường cán bộ chuyên trách quản lý môi trường cấp xã để họ có thể đi kiểm tra, đánh giá và kịp thời phát hiện sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Biện pháp khoa học công nghệ rất cần thiết. Để phòng ngừa ô nhiễm, người sản xuất có thể dễ dàng áp dụng các biện phát sản xuất sạch hơn, với các hình thức như tiết kiệm nước, than. Ngoài ra, cần áp dụng mô hình xử lý chất thải trình diễn ở làng nghề.

Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển - Số 33