Đập thủy điện Mêkông và nỗi lo tác động kép

Cập nhật: 31/08/2010
Chưa hết âu lo về biến đổi khí hậu, ĐBSCL lại thấp thỏm về hệ quả của 12 dự án thủy điện đang được khởi động trên dòng chính sông Mêkông, nơi cung cấp hơn 60% tổng lượng nước cho vùng đất màu mỡ này. Như vậy khu vực này sẽ cùng lúc gánh chịu hai tác động mà hậu quả chưa thể lường hết được.

Tác động kép bắt đầu từ biến đổi khí hậu với nước biển dâng nhấn chìm nhiều vùng đất, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, mùa lũ nước dâng cao hơn, mùa khô nước suy kiệt hơn. Nay lại thêm tác động từ các đập thủy điện có thể làm giảm mạnh lượng phù sa, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, nguồn thủy sinh, cuộc sống của người dân,...

Những cảnh báo đó cũng phù hợp với báo cáo nghiên cứu mới đây của WWF kết luận rằng những con đập trên sông Mêkông đe dọa sự sinh tồn của các loài cá nước ngọt cỡ lớn quý hiếm, và tổ chức này xác nhận ủng hộ việc hoãn phê chuẩn các dự án xây đập ở dòng chính sông Mêkông.

Chẳng hạn, loài cá đuối khổng lồ có chiều dài bằng phân nửa chiếc xe buýt và nặng đến 600 ki lô gam, là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, hay cá ba sa cực lớn của sông Mêkông, có chiều dài khoảng 3 mét và nặng 350 ki lô gam rồi sẽ bị các con đập ngăn đường đi đến nơi đẻ trứng, khóa lối di cư và sinh sản. Cũng theo báo cáo này, lần cuối người dân bắt được loài cá ba sa này, vốn đã suy giảm đến 95% số lượng trong thế kỷ qua, là vào tháng 5-2009 ở gần vùng sông thuộc tỉnh Chiang Khong, Thái Lan.

Tuy nhiên, nếu hỏi giới chuyên gia rằng người dân ĐBSCL sẽ phải chịu ảnh hưởng từ các đập thủy điện cụ thể là bao nhiêu và như thế nào, thì họ đành chào thua, hoặc né tránh, hoặc trả lời chung chung một cách đầy cảm tính, chứ không đưa ra được một con số khả dĩ. Bởi lẽ chưa hề có nghiên cứu nào được tiến hành và cũng chưa có cơ quan nào được giao đánh giá và lượng hóa các tác động này.

Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của từng dự án, theo các chuyên gia, được đo bằng doanh số hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm cho nước này, nhưng lại có thể gây thiệt hại hàng tỉ đô la Mỹ do tiêu diệt nguồn lợi thủy sản, người dân mất việc làm cùng các hoạt động kinh tế dựa trên dòng sông này của các quốc gia khác.

Như ĐBSCL có đến 11 triệu dân, chỉ riêng trồng lúa đã cung cấp lương thực cho cả một khu vực rộng lớn, nuôi sống khoảng 100 triệu người, chủ yếu là người nghèo. Và người nghèo ở đây đang đối diện với nguy cơ sẽ phải trở thành kẻ đói. Vấn đề còn là ở chỗ, người dân không chỉ đói ăn, mất lúa, mà còn là không biết làm gì để sinh sống.

Nói như vậy để thấy hiệu quả kinh tế từ các dự án này là quá nhỏ so với thiệt hại.

Những lợi ích nhỏ không đủ khỏa lấp những nỗi lo âu về “nhất thủy nhì hỏa” khi mà sự thay đổi của dòng chảy sẽ dẫn đến những hậu quả sau 10-15 năm cho cả quốc gia và khu vực. Khi nguồn nước không được kiểm soát, sẽ không biết lấy gì cho người dân sinh sống, dẫn đến hậu quả xã hội rất lớn.

An ninh lương thực hay an ninh năng lượng?

Phải mất hàng chục năm nữa, các con đập này mới được hoàn thành và sinh lợi, nhưng trong thời gian đó, sinh kế của hàng triệu người sống dọc bờ sông đã bị ảnh hưởng, vẫn chưa có cách giải quyết. Bài toán được - mất đang được các chuyên gia và giới hoạch định chính sách của bốn nước trong Ủy hội sông Mêkông (MRC) cân nhắc.

Năm 1995, các quốc gia trong MRC đã ký kết với nhau hiệp định Mêkông, trong đó bốn quốc gia cam kết thảo luận các dự án xây dựng đập trước khi đưa ra quyết định. Đến nay, các dự án vẫn chưa được khởi công, phần lớn vẫn dừng lại ở các bản ghi nhớ, một số đã lập khảo sát, báo cáo khả thi và đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng tăng nóng hiện nay, thủy điện vẫn đang hấp dẫn giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trong vùng. Vì vậy, không ngoại trừ trường hợp, vì cơn khát năng lượng và phát triển kinh tế, những quốc gia như Lào vẫn có thể rút ra khỏi ủy hội, để tiến hành xây dựng các con đập này.

Cũng chính vì thế, mà trong lúc lên tiếng về các đập thủy điện, Việt Nam cũng đứng tên hai trong số 12 dự án này. Điều này, theo các chuyên gia, cũng là một trong những cách để Việt Nam tham gia vào việc kiểm soát nguồn nước và bảo đảm an ninh năng lượng.

Việc tham gia vào các dự án xây thủy điện, cũng có nghĩa là phải chấp nhận các dự án này, cũng như các hệ quả có thể xảy ra. Nhưng nếu Việt Nam không tham gia, các chuyên gia lo ngại, các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ nhảy vào thay thế. Khi đó, từ an ninh lương thực, an ninh năng lượng hay an ninh nguồn nước của khu vực sẽ là ngoài tầm với.

Theo một nguồn tin, Ngân hàng Thế giới cho rằng họ sẽ không ủng hộ việc xây dựng các con đập. Thế nhưng điều đó không hề làm nản lòng các chủ đầu tư là các công ty của các quốc gia. Vì thế, giải quyết vấn đề này đòi hỏi các quốc gia có sự hợp tác và thông hiểu tập quán quốc tế, nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế và giảm thiểu hệ quả môi trường, đồng thời ngăn ngừa ý định các công ty nhảy vào các dự án như vậy.

Một chuyên gia ở ĐBSCL cho rằng với việc xây dựng các con đập thủy điện trên dòng chính thì người dân quê ông không được hưởng bất kỳ lợi ích gì ngoài việc phải gánh những hệ quả nặng nề. Ông cho rằng an ninh năng lượng có thể tìm nguồn khác, nhưng an ninh lương thực và nguồn nước là không thể thay thế, vì sinh kế và môi trường của người dân nơi đây sẽ bị đe dọa.

Dẫu biết khó có thể thay đổi quyết tâm của các quốc gia láng giềng, nhưng điều cần làm là phải gióng lên những hồi chuông bày tỏ quan ngại và cần phải có các công trình nghiên cứu, các cuộc khảo sát để đưa ra các phương án thích nghi hay giảm thiểu những hệ quả của tác động kép.

Trao đổi với TBKTSG, Tiến sĩ Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mêkông Việt Nam, thừa nhận ĐBSCL ở cuối nguồn phải chịu tất cả mọi tác động lũy tích. “Trong mùa kiệt năm nay, với đợt hạn lịch sử khiến dòng chảy ở thượng nguồn về ít, cùng với xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền, hiện nay chúng tôi đang cố gắng có được thông tin về những hoạt động phát triển ở thượng nguồn, cả của hoạt động con người lẫn thời tiết, thông qua hệ thống giám sát, hệ thống chia sẻ thông tin, số liệu giữa các quốc gia,” ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, các hoạt động của Ủy hội về chia sẻ thông tin dữ liệu vẫn chưa được thỏa đáng, vì thế những thông tin về tình hình sử dụng nước, tác động của các công trình về phía hạ lưu hay những tác động có tính chất xuyên biên giới vẫn chưa được làm rõ, chưa tạo ra được sự tin tưởng lẫn nhau và có định hướng rõ ràng trong phát triển bền vững trong lưu vực.

Cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức nào được thành lập ở khu vực ĐBSCL, cũng như chưa có cơ quan nào được phân công đánh giá tác động của các đập thủy điện này. Đến lúc hậu quả xảy ra, như một chuyên gia ví von là mùa lũ, người dân sẽ phải gánh chịu những đợt xả nước nhấn chìm làng mạc, còn mùa kiệt người dân có thể phải dùng đến nước đóng chai để tưới ruộng, chắc cũng không lạ.

Phi Tuấn

Nguồn: : TBKTSG