Thực trạng
Hiện nay, trên dòng sông Tô Lịch có khoảng 200 cống tròn đường kính 300-1.800mm cùng hàng trăm cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Tô Lịch.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, khoảng 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.
Mặc dù toàn bộ chiều dài 14,6km bờ sông đã được cải tạo, nạo vét và kè cứng, song sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước của dòng sông này hoàn toàn không thể sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt.
Bà Nguyễn Thị Quy, sống bên đường bờ sông, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, cho biết: “Những năm trước đây gia đình tôi không dám mở cửa sổ vì mùi xú uế ô nhiễm quá mức của sông Tô Lịch. Nhưng từ năm 2003, nhờ có dự án cải tạo sông Tô Lịch, thành phố cho kè hai bên bờ sông nên tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện. Mặc dù vậy, vào những ngày oi bức, nắng nóng, mùi hôi thối dưới sông bốc lên vẫn rất khó chịu. Trẻ em và người già sống ven sông thường bị mắc các bệnh đường hô hấp…”
Miệt mài nhặt nhạnh những mẩu nylon bên bờ kè dọc đường Nguyễn Khang, thuộc địa phận quận Cầu Giấy, chị Bùi Thị Minh, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết: “Hàng ngày công nhân công ty chia tổ và làm hai ca liên tục thu gom rác ven bờ và dưới sông. Chúng tôi còn phải chèo thuyền dọc sông để thu gom rác, túi nylon và các vật dụng khác do người dân thiếu ý thức vứt xuống."
Nỗ lực cải tạo môi trường
Chào đón Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, từ giữa tháng 7/2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và các quận, huyện có liên quan thực hiện tổng vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan dọc sông Tô Lịch, Kim Ngưu, nhằm giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng và các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, việc tổng vệ sinh môi trường dọc hai bờ sông Tô Lịch đã thu được nhiều kết quả.
Quận Cầu Giấy đã ra quân giải tỏa các điểm trông giữ xe, chiếm giữ mặt bằng kinh doanh và thực hiện công tác tổng vệ sinh đường bờ phải sông Tô Lịch tại địa bàn phường Trung Hòa, Yên Hòa, Quan Hoa, Nghĩa Đô.
Đến ngày 31/7/2010, Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy đã giải tỏa xong nhiều điểm, bàn giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Môi trường đô thị dọn rác phế thải với chiều dài 3.700m trên 5.100m toàn tuyến; Thu 11.713m3 đất và rác thải.
Quận Ba Đình chỉ đạo các lực lượng thanh tra xây dựng, ủy ban nhân dân và công an các phường Ngọc Khánh, Cống Vị, Vĩnh Phúc phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông vận tải Ba Đình tổ chức ra quân xử lý, giải tỏa các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị (vệ sinh môi trường, lấn chiếm vườn cây, hè, đường, tháo dỡ bục bệ, mái che, mái vẩy) dọc theo tuyến đường Bưởi.
Đến giữa tháng 8/2010 đã thu dọn, vận chuyển tám xe đất và phế thải tập kết sai quy định, thu dọn, vận chuyển ba ôtô cát sỏi…
Bên cạnh đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Môi trường đô thị đã phối hợp với các quận khảo sát thực tế, lập dự toán trình Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị và Sở Xây dựng thẩm định, ký duyệt dự toán thu dọn, đào xúc, san ủi, vận chuyển đất bờ phải sông Tô Lịch với kinh phí dự kiến trên 3,3 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, để làm tốt việc duy trì, giữ gìn vệ sinh sông Tô Lịch trên địa bàn, các quận, huyện nên gắn trách nhiệm tới từng chủ tịch ủy ban nhân dân các phường.
Ngoài việc tháo dỡ các biển quảng cáo sai quy định dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, các ngành chức năng phải thống nhất mẫu biển quảng cáo được phép lắp đặt, ưu tiên các biển quảng cáo điện tử để làm đẹp đường phố./.