Thách thức môi trường đất kinh kỳ

Cập nhật: 10/09/2010
Cố đô Hoa Lư và thủ đô Hà Nội là hai vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh quan tươi đẹp, đặc biệt rất giàu có về đa dạng sinh học, với hệ động thực vật phong phú, cùng các hệ sinh thái đặc thù... Tuy nhiên, hai vùng đất này đang phải đối mặt với những thách thức môi trường ngày càng gia tăng.

Đây là một trong những vấn đề đã được thảo luận tại Hội thảo Khoa học Nghìn năm môi trường Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội lần 2 tại Hà Nội, ngày 09/09/2010.

Nằm trong hoạt động chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tiếp nối thành công của Hội nghị lần 1 hồi tháng 8/2010 tại Ninh Bình, tại Hội thảo lần 2 này các nhà khoa học và các chuyên gia về môi trường tiếp tục bàn thảo về sự biến đổi môi trường trong quá trình đô thị hóa, hiện trạng và những thách thức trong bảo vệ môi trường, cùng các kế hoạch và giải pháp cho môi trường Ninh Bình và Hà Nội…

Trong bài phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban Phản biện xã hội Hội BVTN&MT Việt Nam đã đề cập một số đặc điểm môi trường vùng Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giá trị đa dạng sinh học của vùng đất này với Vườn quốc gia Cúc Phương, rừng quái thú ở Núi Thờ, Khu bảo tồn đất Ngập nước Vân Long (Ninh Bình) và Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội)... Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo rằng sự đa dạng sinh học này đang ngày càng bị suy giảm và cần có các biện pháp bảo tồn tích cực.

Ngoài ra, các hệ sinh thái đặc thù của hai vùng đất kinh kỳ này cũng đang bị xâm hại. Đơn cử, Ninh Bình có hệ sinh thái núi đá vôi karst độc đáo tạo nên các hang động, cảnh quan hấp dẫn, tuy nhiên, do được coi là một loại khoáng sản, vô vàn khối đá vôi của Ninh Bình đã bị “cho vào lò” để thành ximăng.

Còn ở Hà Nội, cảnh quan đẹp hiếm có nhờ hơn 100 hồ nước lớn nhỏ hiện nay cũng đang đứng trước tình trạng ô nhiễm; các hồ không còn giữ được chức năng ban đầu là điều hòa khí hậu, điều tiết nước…

Bên cạnh đó, cả Hà Nội và Ninh Bình đều đang phải đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường gia tăng và ngày trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều thống nhất rằng, Ninh Bình và Hà Nội cần có nỗ lực chung và hợp tác hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Cùng chia sẻ hệ thống sông Nhuệ-Đáy, đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông này tới năm 2020 vừa được chính phủ Phê duyệt năm 2009 chính là cơ hội lớn cho sự hợp tác này.

Hội thảo do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Thủ Đô, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Ninh Bình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Ninh Bình và các Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội - Ninh Bình tổ chức.

Nguồn: Theo Thiennhien.net