Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị
“Trong tổng số 754 đô thị hiện nay, khoảng 405 đô thị lớn nhỏ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến mực nước biển dâng” – TS.KTS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam – cho biết.
Biến đổi khí hậu đã hiện hữu tại các đô thị Việt Nam khi nền nhiệt độ ở đô thị cao hơn trung bình so với những khu vực xung quanh.
Theo TS Michael Waibel, Đại học Hamburg, CHLB Đức, sự gia tăng đô thị diễn ra hiện nay tại khu vực nam TP Hồ Chí Minh hoặc các khu đô thị mới CIPUTRA hoặc Splendona của Hà Nội đã phủ kín bề mặt các khu vực có giá trị thu nước.
Điều này làm giảm khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn, khiến cho các khu đô thị hiện hữu và khu mới được quy hoạch tăng khả năng ngập lụt.
"Quá trình đô thị hóa trong những năm qua rất nhanh, thiếu kiểm soát, có nơi tự phát", bà Đỗ Tú Lan nói: "Tình trạng ngập lụt hiện nay ở đô thị là do quy hoạch chưa chặt chẽ".
16 khu kinh tế ven biển, là những nơi đột phá phát triển kinh tế, cũng sẽ gặp rủi ro bởi biến đổi khí hậu.
TS Michael Waibel cho rằng mất đi các thực thể nước và mảng xanh cũng như tăng môi trường xây dựng khiến cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng phải chịu ảnh hưởng từ “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”.
Hiện tượng này dễ nhận thấy tại các khu vực nội thành xây dựng dày đặc. Thậm chí hiện nay nhiệt độ ở các khu vực này cao hơn từ 8 đến 10 độ C nhiệt độ trung bình so với các khu vực xunh quanh. Các đảo nhiệt đô thị có thể quy trách nhiệm cho sự yếu kém trong quy hoạch đô thị.
Ông Hồ Phi Long, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng hiện tượng số trận mưa lớn xuất hiện với tần suất tăng dần theo thời gian đã được giải thích bằng hiện tượng đảo nhiệt. Tình trạng nhiệt độ tăng liên tục và ngày càng nhanh dần kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước trùng khớp với lý thuyết của hiệu ứng đảo nhiệt và góp phần lý giải hiện tượng mưa lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên ở các khu vực đô thị hóa. Đây không phải là vấn đề cá biệt của TP Hồ Chí Minh mà đã được tổng kết trên khắp thế giới từ nhiều thập niên.
Vẫn theo TS Michael Waibel, độ vươn cao thiếu phối hợp của các tòa nhà tầng trong lòng trung tâm đô thị có thể gây bất lợi cho hành lang thông gió và làm nghiêm trọng hơn các vấn đề đảo nhiệt đô thị.
Vì vậy việc ngăn chặn hoặc hạn chế tối thiểu hiện tượng đảo nhiệt đô thị, một hệ thống ở cấp độ thành phố của không gian mở cần được tổ chức nhằm thông gió và phát triển các khu vực tạo gió mát.
Ngập lụt ngày càng trầm trọng
Tình trạng gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn cùng với những trận mưa lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trong khi hệ thống thoát nước và kiểm soát triều cường vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng đã làm cho tình trạng ngập lụt đô thị ở TP Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng.
Hơn 70 vị trí ngập xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh sau những cơn mưa từ 40mm trở lên ngay cả khi thủy triều đang ở mức thấp cho thấy dòng chảy tràn đô thị do mưa lớn vượt quá khả năng thoát nước đang là tác nhân gây ngập chủ yếu hiện nay.
Các đô thị trong khu vực đồng bằng châu thổ như Cần Thơ hay các đô thị nằm gần châu thổ sông Mê Kông như TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ có nguy cơ bị đe dọa trực tiếp bởi mực nước biển dâng mà có thể chịu áp lực di cư lớn của từ các khu vực xung quanh.
Không những vậy, các nguồn lực kinh tế-xã hội, chẳng hạn như tiến trình công nghiệp hóa liên tục và lối sống mới, sẽ tiếp tục kép dòng di cư từ các vùng nông thôn vào các đô thị.
Biến đổi khí hậu cũng làm tăng những thiên tai ảnh hưởng đến sinh kế như lũ lụt, sóng nhiệt cũng như biến đổi dày hơn về nhiệt độ và lượng mưa.
TS Michael Waibel từ Đại học Hamburg (CHLB Đức) cho biết một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trong 84 quốc gia đang phát triển ven biển được điều tra về mực nước biển dâng, Việt Nam đứng đầu về những tác động đến dân số, GDP, khả năng mở rộng đô thị và các khu vực đất ngập nước.
Việt Nam xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh nếu tính lượng người lớn nhất tuyệt đối sống ở các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, được xác định là vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có cao độ thấp hơn 10 mét trên mực nước biển.
Khoảng 43 triệu người Việt Nam hoặc hơn 55% dân số cả nước (38% dân số đô thị Việt Nam) đang sinh sống tại những vùng mực nước biển dâng. Đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất trên toàn thế giới.
Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020, quy mô đô thị từ mức 30,4 triệu người và diện tích 2.432 km2 năm 2010 sẽ tăng lên 40 triệu người và diện tích 4.600 km2 (chiếm 45% dân số và 1,4% diện tích cả nước) vào năm 2020.