Cả hai công ty này có giấy phép nhưng không hội đủ các điều kiện như: đánh giá tác động môi trường, chưa chuyển đổi đúng mục đích đất sử dụng... “Cát tặc” núp bóng doanh nghiệp hoành hành "dữ dội" hút cát trên lòng hồ Dầu Tiếng với nhiều mức độ khác nhau. Qua quan sát, hàng chục bãi cát trắng xóa bị rút lên từ lòng hồ chất cao như núi.
Đoạn ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng hàng chục bãi cát ngổn ngang, thậm chí các ghe hút cát, máy móc, phương tiện bày ra công khai trên bờ. Còn bên ngoài đường, các xe ben chở cát lao vun vún. Mỗi lần gặp xe, người dân Minh Hòa vội lấy tay che mặt vì khói bụi do các con đường nông thôn phụt ra từ phía sau xe ben đỏ quánh. Một người dân xã Minh Hòa cho biết, nhiều em học sinh mặc áo dài trắng đến trường thành áo đỏ, có nhiều em bị té ngã xe đạp chấn thương cũng vì xe ben chở cát. Thế nhưng, ít ai đụng đến các ông chủ bãi cát này, thậm chí họ hoạt động thu lợi nhuận ngon lành mà chẳng ai quan tâm gì đến đường sá xuống cấp trầm trọng ở Minh Hòa.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Dầu Tiếng gửi công văn nhiều lần yêu cầu các ngành chức năng khẩn thiết phối hợp với các cấp chính quyền xử lý khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu trong lòng hồ. "Cát tặc" đang làm đục nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước. Điều đang làm các nhà quản lý đau đầu là nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình, đặc biệt vào kỳ mưa bão hiện nay. Theo quy định, các ghe, tàu khai thác cát phải cách hành lang an toàn đập chính hồ Dầu Tiếng 5 km, nhưng với tình trạng khai thác cát lậu tràn lan, không kiểm soát nổi như hiện nay chẳng ai dám chắc quy định này được nghiêm chỉnh chấp hành.
Theo đánh giá Công ty khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng, tình trạng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng đang quá mức kiểm soát, không theo quy hoạch. Các vòi hút càng ngày càng khoét sâu vào lòng hồ bơm cát tăng thêm tình trạng sạt lở, sụt lún bờ thềm sông...Công trình nằm ở thượng lưu sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng được thiết kế với mục tiêu tổng hợp: cấp nước cho nông nghiệp, dân sinh; phòng lũ, chống xâm nhập mặn, cải tạo môi trường, nuôi trồng thủy sản. Chiến lược quan trọng này nên mọi hoạt động khai thác lòng hồ cần phải được tính toán thận trọng và quản lý nghiêm túc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết: việc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho hai công ty khai khoáng nằm trên khu vực đất lâm phần và đê bao bảo vệ lòng hồ Dầu Tiếng là chưa phù hợp. Mặt khác, các công ty này chưa hội đủ điều kiện như đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất sử dụng và tuân thủ các nguyên tắc khác của các cơ quan quản lý khi đó giấy phép mới có hiệu lực. Riêng các bãi cát "ồ ạt" mở ra nằm trên lòng hồ, chúng tôi đang tiến hành khảo sát để chấn chỉnh lại các bãi cát này.
Tái phát...nuôi cá bè
Ngoài khai thác cát, lòng hồ Dầu Tiếng xuất hiện hàng chục bè cá nuôi (đoạn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Trước đây, năm 2008, Bình Dương đã thực hiện " xóa trắng" di dời các bè cá nuôi ra khỏi lòng hồ, thế nhưng việc nuôi cá lại tái diễn và ngày càng phức tạp hơn. Hệ lụy nuôi cá bè là nguồn thức ăn chăn nuôi có nguy cơ đe dọa ô nhiễm đến nguồn nước mà nơi đây đang là nguồn nước cho việc rửa mặn và phục vụ các nhà máy nước tại Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh.
Ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh du lịch
Với nạn khai thác cát bừa bãi và nuôi cá lồng bè hiện nay đã gây ảnh hưởng lớn tới cảnh quan môi trường và hoạt động kinh doanh du lịch tại khu vực này.