Tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm biển, vùng ven biển và trên các hải đảo, đặc biệt đối với các khu vực tranh chấp về mục đích sử dụng, các điểm nóng ô nhiễm và đa dạng sinh học, các khu vực hay xảy ra sự cố tràn dầu… là một trong những mục tiêu cụ thể của quản lý Nhà nước về biển đảo.
Dự án “Tăng cường xây dựng kế hoạch hành động toàn cầu - Đánh giá và lồng ghép việc quản lý nguồn gây ô nhiễm biển và ven bờ từ lục địa” (MCEB-GPA) do UNEP tài trợ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu nói trên.
Đây là dự án đầu tiên Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận được tài trợ quốc tế, nhằm đánh giá tải lượng chất gây ô nhiễm biển từ nguồn đất liền, xây dựng Chương trình Hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm biển từ nguồn lục địa và triển khai thí điểm ở vùng Vịnh Hạ Long.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, PGS. TSKH Nguyễn Văn Cư cho biết, ô nhiễm biển là loại ô nhiễm không rõ nguồn gốc, trong đó khoảng 50-70% lượng thải ra biển là từ đất liền. Vì vậy, quản lý ô nhiễm biển nguồn đất liền phải bắt đầu tư quản lý các hoạt động xả thải trên các lưu vực sông ven biển.
114 cửa sông đổ ra biển, 12 đầm phá, khoảng 50 vũng ven bờ, khoảng 20 kiểu, loại hệ sinh thái điển hình và trong trên 100 điểm khoáng sản đã được phát hiện khiến dải bờ biển nước ta hàng năm phải nhận một lượng chất thải lớn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển và vùng cửa sông ven biển. Hệ sinh thái bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm tác động đến chính mục tiêu phát triển bền vững của vùng này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, "vùng ven bờ được xem là nơi tập trung cao các chất gây ô nhiễm thuộc loại không rõ nguồn, rất khó kiểm soát và xử lý. Do đó, để quản lý ô nhiễm biển, người ta phải tiến hành kết hợp quản lý tại nguồn, trước hết phải quản lý chặt chẽ các chất thải phát sinh từ các hoạt động phát triển trên lưu vực sông ven biển và tại vùng ven biển".
Vì những lẽ đó, quản lý ô nhiễm biển đòi hỏi phải phối hợp liên ngành, liên vùng để giải quyết các mối quan hệ tương tác trong phát triển theo nguyên tắc phòng ngừa. Các hoạt động chủ yếu của nhiệm vụ quản lý ô nhiễm biển từ nguồn lục địa bao gồm việc kiểm kê, đánh giá định kỳ nguồn gây ô nhiễm từ trên đất liền. Kiểm soát thường xuyên hoạt động xả thải từ các hoạt động kinh tế, sản xuất, sinh hoạt, đô thị hóa… trên đất liền thông qua đăng ký nguồn thải và cam kết xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường xung quanh.
Mặt khác, cần điều tra, xác định và lập bản đồ các "bẫy ô nhiễm" từ nguồn lục địa theo phương pháp "màn chắn địa hóa", xác định các điểm nóng ô nhiễm vùng ven bờ và lập danh mục "đen" để hỗ trợ công tác thanh tra môi trường thuận lợi. Từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát, quản lý và xử lý ô nhiễm biển từ nguồn lục địa.
Để xây dựng các giải pháp thị trường nhằm bảo vệ môi trường biển, TS. Nguyễn Xuân Độ, Phó Cục trưởng Cục Điều tra và Kiểm soát TN&MT biển, đề xuất: Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, thúc đẩy các chiến dịch ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải từ đô thị, đường sá, các khu công cộng, ủng hộ và đẩy mạnh những nỗ lực tình nguyện, cũng như cần có hệ thống ký quỹ - hoàn trả, thu phí và xử phạt hành chính đối với người sử dụng rác thải...