Nằm trong khu di chỉ khảo cổ Đông Sơn, Hàm Rồng cũng từng chứng kiến những chiến công hiển hách của người dân xứ Thanh đập tan các cuộc đổ bộ của không lực Hoa Kì 45 năm trước đây... Thế nhưng mảnh đất văn hóa này đang bị “cát tặc” băm nát từng ngày.
Chính quyền địa phương “mở cửa” cho DN cày xới di tích Hàm Rồng
Năm 2001, khu du lịch văn hóa Hàm Rồng chính thức được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch chi tiết “Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng” (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá) với quy mô gần 600ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Sau khi dự án được thực thi, một số hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Khu trung tâm thương mại, một phần hồ Kim Quy, Trung tâm dịch vụ nhà thuyền, động Tiên Sơn... Dự kiến, đến năm 2020, khu văn hóa du lịch Hàm Rồng sẽ mở rộng với quy mô trên 1.000 ha và được xây dựng thành trọng điểm du lịch quốc gia.
"Cát tặc" băm nát khu du lịch văn hóa Hàm Rồng: (ảnh, H.Ngân)
Tuy nhiên, khi những ý tưởng tốt đẹp với mục đích bảo tồn giá trị văn hóa đó đã và sắp thành hiện thực thì khu du lịch văn hoá này lại bị một số cá nhân tổ chức biến thành các bãi tập kết “cát tặc” phá hoại cảnh quan cả một khu văn hóa nổi tiếng.
Con đường dẫn chúng tôi vào khu du lịch văn hóa Hàm Rồng - nơi tập kết những bãi cát khổng lồ vẫn còn hằn in dấu vết của những chuyến xe chở cát cày nát, nham nhở khiến những chiếc du lịch gầm thấp không thể tiến vào sâu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ những bãi tập kết trái phép này, cát được phân phối vào khắp các ngõ ngách trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Với cường độ hàng trăm lượt xe chở cát hoạt động mỗi ngày. Vào mùa xây dựng, số lượng xe tham gia vận chuyển còn lớn hơn rất nhiều với những đoàn xe ngược xuôi, cát bụi bay mù mịt... du khách đến đây nhìn vào sự huyên náo ấy dễ có cảm giác: Hàm Rồng giống đại công trường hơn là một khu du lịch văn hóa.
Ô nhiễm môi trường, cùng với đó là những giá trị văn hóa lịch sử bị xâm hại khiến nhiều người dân sống trong khu du lịch văn hoá trên bức xúc. Tuy nhiên, suốt mấy năm qua những bức xúc này đã không được giải toả. Thậm chí, chính quyền địa phương, còn có biểu hiện bao che, “tạo điều kiện” cho các “sa tặc” lộng hành, phá vỡ quần thể khu du lịch văn hóa.
Theo tài liệu của Dân trí, sở dĩ những bãi cát tặc ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua là do UBND phường Hàm Rồng đã ký kết những hợp đồng giao thầu sai quy định với các doanh nghiệp khai thác cát để thu tiền hàng năm của các doanh nghiệp này. Còn đối với các doanh nghiệp, khi họ đã có trong tay những “lá bùa hộ mệnh” là những hợp đồng giao thầu bến bãi tập kết cát của UBND phường Hàm Rồng thì họ cứ vô tư biến khu du lịch văn hoá này thành “lãnh địa” của riêng mình.
Kiểu nói vậy mà không phải vậy!
Trước mối nguy “cát tặc” băm nát khu du lịch văn hoá Hàm Rồng và trước những bức xúc của người dân, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phải vào cuộc.
Ngày 1/7/2010, ông Trịnh Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chủ trì hội nghị với các ngành, các đơn vị liên quan để chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác, kinh doanh vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu du lịch văn hoá Hàm Rồng.
Sau cuộc họp này, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND phường Hàm Rồng ra thông báo yêu cầu những doanh nghiệp kinh doanh cát trên địa bàn phải ngừng ngay hoạt động bơm hút cát, giải phóng mặt bằng, bàn giao lại đất cho nhà nước quản lý.
Nhưng một sự thật khác lại đang diễn ra ngay tại những khu bãi tập kết cát vừa có thông báo dừng hoạt động thì một bãi tập kết cát khác với quy mô hoạt động lớn hơn gấp nhiều lần lại chuẩn bị xuất hiện và được giao cho công ty TNHH Thuý Sơn “quy hoạch” rộng chừng 1,5 ha, án ngữ ngay giữa khu du lịch văn hoá đã được quy hoạch.
Hàm Rồng - địa danh ghi nhiều chiến công hiển hách của người dân xứ Thanh: (ảnh, H.Ngân)
Sự việc trên khiến cho những người dân nhiều năm “sống chung với sa tặc” trở nên bức xúc, bởi mới ngày 1/7/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ra “lệnh”, tạm dừng chấp thuận các bãi tập kết cát mới thì chỉ một tuần sau, ngày 8/7/2010, lại chính ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến kí văn bản số 3511/UBND-NN, chấp thuận với đề xuất của Sở TN&MT đồng ý để Công ty TNHH Thuý Sơn xây dựng bãi tập kết cát trong khu du lịch văn hoá Hàm Rồng.
Một điều khá ngạc nhiên, sự chấp thuận này đã bỏ qua sự tham vấn của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thậm chí, ngay cả chính quyền phường Hàm Rồng cũng không hề biết trên địa bàn phường mình lại sắp có một bãi tập kết cát khổng lồ.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho biết, hiện tại, phường chưa nhận được bất cứ quyết định nào liên quan tới việc cấp phép bãi tập kết cát mới, do vậy phường cũng chưa có kế hoạch gì để đối phó với vấn nạn ô nhiễm môi trường cùng những hệ lụy do bãi tập kết cát này gây ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó GĐ Sở VHTT và DL tỉnh Thanh Hóa, việc UBND tỉnh chấp thuận với đề xuất của Sở TN và MT đồng ý để công ty TNHH Thuý Sơn xây dựng bãi tập kết cát trong khu du lịch văn hoá Hàm Rồng, Sở chúng tôi không hề hay biết dự án này.
Ông Nhẫn cho hay, khu Du lịch Văn hóa Hàm Rồng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch trước đây, giờ lại “chồng” quy hoạch bằng một bãi tập kết cát trong khu du lịch văn hóa là trái với luật định. Đó là chưa kể đến việc vận chuyển mỗi ngày hàng trăm, hàng nghìn tấn cát qua lại khu du lịch văn hóa bằng ô tô sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan, môi trường và các yếu tố khác.
Ông Nhẫn cho biết thêm, tháng 4/2008, trong một cuộc làm việc dưới sự chủ trì của Sở Xây dựng, bàn về việc cấp phép bãi tập kết vật liệu xây dựng cho một DN khác tại khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, chính ông và nhiều ngành khác cũng hết sức phản đối, và việc cấp phép đã không được thực hiện.
Hồng Ngân - Duy Tuyên