Cấp giấy thông hành để khai thác biển

Cập nhật: 04/10/2010
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Giống như sổ đỏ trong quản lý đất đai, thời gian tới nước ta cũng phải tiến hành cấp giấy phép sử dụng biển để tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với tài nguyên vô cùng rộng lớn này. Vấn đề cấp giấy phép sử dụng biển là một trong những nội dung quan trọng đang được soạn thảo để đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên và Môi trường Biển.

Ảnh: Biển Đại Lãnh- Nha Trang

Xuất phát từ thực tế

Về tổng thể, khai thác tiềm năng biển để phát triển ở nước ta cho đến nay còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia và chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Bên cạnh đó, nước ta tập trung quá nhiều vào khai thác các dạng tài nguyên vật chất nhìn thấy, không tái tạo, chưa chú trọng đến các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị không gian, giá trị chức năng và giá trị dịch vụ của biển. Do vậy, một số dạng tài nguyên, kể cả dầu khí, sẽ sớm cạn kiệt, ảnh hưởng đến chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Dẫn đến hiệu quả kinh tế chung trên một đơn vị biển không cao, thua xa các quốc gia biển khác. Có một thực tế, nước ta là một quốc gia biển nhưng không phải là quốc gia có nghề biển phát triển và đặc biệt trình độ khai thác, sử dụng biển đến nay vẫn còn hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng nêu trên, trong đó có những nguyên nhân về kinh tế, về khoa học - công nghệ, về trình độ phát triển, nhưng bao trùm và mang tính tiền đề là nguyên nhân gắn với tư duy và tầm nhìn phát triển.

Tư duy tiểu nông với phương thức sinh tồn chỉ dựa vào đất, tầm nhìn tự cấp, tự túc bị bó hẹp trong không gian làng xã đã làm cản trở quá trình xác lập và phát triển hệ tư duy phát triển “mở”, hướng ra thế giới và vươn ra đại dương.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý biển đảo của nước ta đang trong bước hoàn thiện. Chính vì thế cấp giấy phép sử dụng biển cho những tổ chức, tập thể là điều nên và phải làm để tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với môi trường - tài nguyên biển. Theo đó, nước ta cũng sẽ tiến hành thu thuế sử dụng khai thác tài nguyên biển, đồng thời có những công cụ xử phạt răn đe nhằm nâng cao nhận thức cho những đối tượng khai thác tài nguyên biển.

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo đang soạn thảo Luật Tài nguyên Môi trường Biển, tuy nhiên chỉ riêng chương cấp giấy phép sử dụng biển cũng vấp phải rất nhiều ý kiến tranh cãi. Nhưng theo TS. Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thì, công việc này rất khó khăn và phức tạp, song khó tới mấy cũng phải làm bằng được… Chúng ta cũng đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước có kinh nghiệm quản lý vùng biển. Nếu luật đưa nội dung cụ thể cùng các chế tài thực hiện thì tốt còn không sẽ phải nhờ tới thông tư dưới luật giải quyết. 

Cấp chứng nhận xanh: hướng đến sử dụng hiệu quả các vùng biển

Lối tư duy khai thác tài nguyên biển đơn thuần dẫn đến lợi nhuận thu được trên một đơn vị biển không cao mặc dù chúng ta đang khai thác rất mạnh. Chính vì thế Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã đưa ra ý tưởng Cấp thẻ xanh (chứng nhận xanh) cho vùng biển làm công cụ quản lý ở cấp quốc gia để đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả sử dụng các vùng biển. Chứng nhận xanh cấp quốc gia sẽ được cấp đối với những vùng biển hội tụ đủ 3 tiêu chí lớn là khai thác hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và an toàn hệ sinh thái.

TS. Chu Hồi cho biết, các vùng biển, hệ thống tài nguyên biển Việt Nam đang được khai thác, sử dụng chưa hợp lý, thiếu hiệu quả, gây ra các mâu thuẫn lợi ích. Muốn giữ tính bền vững của biển cần đảm bảo 3 mục tiêu: phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần phải có công cụ quản lý ở cấp quốc gia để đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả sử dụng các vùng biển. Cấp chứng chỉ xanh cho vùng biển là một ý tưởng để giải quyết vấn đề trên.

Chứng chỉ này chỉ được cấp trong thời hạn nhất định và sẽ bị thu hồi nếu cá nhân, đơn vị vi phạm các tiêu chí. Sau khi đánh giá kết quả và tác dụng của việc cấp chứng chỉ xanh và "Thương hiệu vùng địa lý" các vùng biển, Việt Nam sẽ đăng ký với tổ chức quốc tế để được xem xét công nhận. Công cụ quản lý tổng hợp này sẽ góp phần giải quyết được tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên biển, tiến tới quản lý biển tổng hợp và thống nhất theo không gian. Bên cạnh đó, những giải pháp lâu dài, bền vững để bảo tồn tài nguyên biển cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ có 15 khu bảo tồn biển được quy hoạch và xây dựng trên các vùng biển, hải đảo của Việt Nam. Một trong những giải pháp cơ bản cần được thực hiện là xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia đầu tư để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển. Đồng thời, nghiên cứu chính sách để cộng đồng cư dân quản lý các khu bảo tồn biển được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá, làm căn cứ cấp thẻ xanh cho các vùng biển để trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ tiêu chí sẽ được xây dựng xoay quanh ba trục chính là khai thác hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và an toàn về sinh thái.

Đi cùng với việc cấp cũng sẽ có việc thu hồi nếu không thực hiện tốt những tiêu chí trên. Chính vì thế thẻ xanh cho vùng biển còn được coi như nhãn mác để truy suất nguồn gốc chất lượng hàng hóa gắn với vùng biển hay ngành kinh tế đang khai thác trên  vùng biển đó. Nếu thực hiện tốt việc cấp thẻ xanh, sẽ giúp chúng ta cũng dễ dàng hội nhập quốc tế.

Đỗ Văn Hải

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo về môi trường