Bờ kè sông Nậm Rốm, chạy dài từ cầu Thanh Bình đến điểm cầu Mường Thanh cơ bản hoàn thành nhiều tháng nay đã góp phần thay đổi diện mạo sông Nậm Rốm lịch sử đẹp, khang trang.
Tuy nhiên, việc người dân tự ý chiếm dụng một phần diện tích bờ kè để mở rộng quy mô chợ Mường Thanh (thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) đã dẫn đến một hệ quả đáng ngại: Sông Nậm Rốm bị ô nhiễm từ việc người dân đổ nước, rác thải trực tiếp xuống lòng sông.
Một phần của bờ kè với chiều dài trên, dưới 30 mét, chiều rộng hơn 2 mét, là khu vực người dân tụ tập bán, buôn những mặt hàng thuỷ sản, gia cầm. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại chợ có gần 10 hộ tư nhân thực hiện việc giết mổ gia cầm tại chỗ, tổng số gia cầm giết mổ hằng ngày lên đến gần 200 con. Sau mỗi buổi chợ, một lượng nước bẩn hàng chục khối từ khâu giết mổ, làm sạch mặt hàng thuỷ sản, gia cầm này, các chủ hàng cho tháo chảy trực tiếp xuống lòng sông Nậm Rốm.
Cách đó không xa, gần đầu điểm cầu lịch sử Mường Thanh cũng hình thành một chỗ xả rác tự phát, lâu dần, nơi đây đã trở thành điểm tập kết rác thải của hàng trăm người dân kinh doanh, bán buôn ở chợ. Chỉ lúc chiều tối, nhân viên vệ sinh đô thị mới đến đây làm vệ sinh, thu gom rác. Do điểm tập kết này nằm cạnh bờ sông Nậm Rốm, một lượng lớn nước bẩn và rác cũng theo dòng chảy xuống lòng sông này, ngày nắng bốc mùi hôi rất khó chịu.
Ông Trương Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) cho biết: Việc người dân lấn chiếm bờ kè để kinh doanh bán buôn là tự phát, không nằm trong quy hoạch của phường. Hiện tại, quỹ đất dành cho việc mở rộng chợ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người là dân chưa có, cơ quan chức năng phường đành chấp nhận thực trạng trên. Công tác vệ sinh ở chợ, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không thể mạnh tay để xử phạt, xử lý. Vì nếu đưa ra khung xử lý, xử phạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập kinh tế hằng ngày của hàng trăm nhân khẩu.
Với tổng diện tích khoảng 1ha, qua nhiều năm tồn tại, chợ Mường Thanh trở thành nơi trao đổi, bán buôn hàng hóa của hàng ngàn người dân đến từ các xã phụ cận, biên giới như Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Yên, Thanh Hưng... của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, chợ vẫn chưa có người đảm nhận việc quét dọn, thu gom rác thải, phế phẩm, tạp bẩn sau mỗi buổi tan chợ. Việc giữ gìn vệ sinh ở khu chợ Mường Thanh này chỉ biết trông chờ vào ý thức của mỗi người bán buôn càng làm cho nguy cơ ô nhiễm ở đây càng cao hơn, đe dọa rất lớn đến cảnh quan và môi trường sống của các loài thuỷ sinh ở sông Nậm Rốm.
Sông Nậm Rốm, một điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp của thành phố Điện Biên Phủ nói riêng, niềm tự hào của Đất và Người Điện Biên nói chung. Vì giá trị và vẻ đẹp đó, thiết nghĩ, cơ quan chức năng trên địa bàn cần có những biện pháp hữu hiệu, khả thi hơn trong khâu quản lý hoạt động bán buôn ở khu vực chợ Mường Thanh, nhằm tránh tình trạng gây nguy cơ ô nhiễm và trả lại vẻ đẹp mỹ quan vốn có của dòng sông Nậm Rốm huyền thoại này.