TP.Hồ Chí Minh: Sẽ xã hội hóa việc phủ xanh vỉa hè đường phố

Cập nhật: 13/10/2010
Từ năm 2009 đến nay, hàng loạt vỉa hè trên các trục đường chính ở khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh đã được “xanh hóa” vừa tạo cảnh quan đô thị vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Khắc Dũng- Trưởng Phòng Quản lý cây xanh - Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết để tránh lãng phí nếu làm vỉa hè bêtông xong lại đào lên trồng cây, Sở GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án khi lập dự án giao thông bộ trên địa bàn thành phố phải thiết kế mảng xanh vỉa hè phù hợp quy mô công trình, cảnh quan ngay từ đầu. Bên cạnh đó Sở GTVT và Công ty Công viên cây xanh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho các quận, huyện để phát triển và duy trì mảng xanh ở vỉa hè, dải phân cách. Việc phát triển xanh trên vỉa hè thời gian qua tại các quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 thực hiện tốt và đã “biến” 35.000m2 bêtông vỉa hè thành thảm cây xanh. Hiện nay các tuyến đường khu trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pastuer, ...đã được phủ xanh vỉa hè toàn tuyến.

Tiếp tục phát huy mô hình này năm 2010 theo chỉ đạo của thành phố, mỗi quận huyện phải đăng ký phủ xanh vỉa hè từ 5-10 tuyến đường trên địa bàn. Tuy nhiên, một số quận huyện gặp không ít khó khăn trong công tác phủ xanh vỉa hè vì thiếu cả vốn và nhân lực. Anh Phạm Đăng Duy- Phòng Quản lý Đô thị quận 12 cho biết, hiện quận đang phủ xanh vỉa hè các tuyến đường Phan Văn Hớn, Trường Chinh, Lê Văn Khương... khó khăn nhất của địa phương là nguồn lực để duy trì, bảo quản mảng xanh này. Theo quy định các vỉa hè có chiều rộng từ 3m- 10m thì phần vỉa hè dành cho người đi bộ từ 1m-2,5m, còn lại phủ xanh. Đối với một số quận, huyện các tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m không nhiều, giải pháp cho những vỉa hè nhỏ hẹp dọc tường rào các công sở, trường học..., theo ông Phạm Văn Hiếu- Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh có thể phát triển mảng xanh bằng các loại dây leo hoặc các loại thân thảo như tre, trúc không cần nhiều diện tích đất.

Công tác quản lý mảng xanh vỉa hè do Phòng Quản lý Đô thị hoặc Công ty công ích các quận huyện phụ trách. “Các quận huyện kêu khó vì phát sinh thêm kinh phí chăm sóc, bảo quản, Sở GTVT đang đề xuất xã hội hóa công tác này”, ông Nguyễn Khắc Dũng nói. Ông Hiếu lạc quan vì qua khảo sát của Công ty, người dân sẵn sàng đóng góp tiền của hoặc công sức thì đối với các doanh nghiệp, các đơn vị trực tiếp hưởng thụ mảng xanh này cần chung tay góp sức và việc vận động hẳn sẽ không khó.

Nguồn: monre.gov.vn