-Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện Dự án Khu phức hợp xử lý và tái chế chất thải đô thị tại huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế?
Ông Nguyễn Đăng Anh Thi: Việc triển khai thực hiện Dự án Khu phức hợp xử lý và tái chế chất thải đô thị tại huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế nằm trong chiến lược phát triển dịch vụ môi trường của Tập đoàn Lemna International tại Việt Nam. Đây là một hình thức hợp tác công – tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, loại hình đầu tư tương đối mới mẻ tại Việt Nam, vì lâu nay đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị về môi trường thường là đầu tư công. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2009 về Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý rất tốt để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường, và đây cũng là cơ hội để Tập đoàn Lemna International mở rộng đầu tư vào dịch vụ môi trường tại Việt Nam.
Lemna International cũng là nhà phát triển và đầu tư dự án Khu phức hợp Xử lý và Tái chế chất thải đô thị Vietstar công suất 1.200 tấn/ngày tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (Vietstar Lemna Eco Center) với tổng vốn đầu tư trên 63 triệu US$, đã khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, là một khu xử lý và tái chế chất thải đô thị lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Dự án Khu phức hợp xử lý và tái chế chất thải đô thị tại huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế là dự án thứ 2 của Tập đoàn Lemna International tại Việt Nam. Dự kiến Khu phức hợp này sẽ được đưa vào vận hành từ cuối năm 2012. Hiện nay bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào khoảng quý II/2011.
-Vậy công nghệ áp dụng cho Khu phức hợp Xử lý và Tái chế chất thải sinh hoạt tại huyện Hương Trà sẽ được thực hiện như thế nào? Thưa ông!
Ông Nguyễn Đăng Anh Thi: Công nghệ áp dụng cho Khu phức hợp Xử lý và Tái chế chất thải sinh hoạt tại huyện Hương Trà là công nghệ Hoa Kỳ do chính Lemna International phát triển, hoàn thiện phù hợp với thành phần chất thải rắn không được phân loại tại nguồn và điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Chất thải rắn sẽ được tái chế thành phân compost và hạt nhựa HDPE, giảm nhu cầu chôn lấp chất thải đến 90%.
Thiết bị sử dụng cho dự án sẽ do Lemna International thiết kế và chế tạo đồng bộ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Dây chuyền công nghệ sẽ được tự động hóa với hệ thống điều khiển trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả điều khiển vận hành và kiểm soát. Các hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, cùng với hàng rào cây xanh cách ly và cảnh quan phù hợp sẽ góp phần làm cho khu phức hợp này là một khu vực xanh và thân thiện môi trường.
- Như vậy, hiệu quả và tính bền vững của Khu xử lý sau khi chính thức được vận hành sẽ đáp ứng và giảm thiểu tác động môi trường như thế nào? Thưa ông!
Ông Nguyễn Đăng Anh Thi: Như trên đã nói, việc giảm nhu cầu chôn lấp chất thải đến 90% sẽ không chỉ giảm nhu cầu sử dụng đất, mà kèm theo đó là giảm thiểu các tác động môi trường do hạn chế được chôn lấp rác: giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát sinh nước rỉ rác... Công nghệ của dự án đồng thời sẽ tạo ra các sản phẩm có ích như phân compost và hạt nhựa tái chế là các sản phẩm rất thân thiện môi trường, hạn chế và thay thế việc sử dụng phân hóa học, khuyến khích sử dụng tài nguyên một cách bền vững.
Có vị trí cách trung tâm thành phố Huế khoảng 18 km về phía Tây Bắc, Khu phức hợp này khi vận hành sẽ đóng vai trò là trung tâm xử lý và tái chế chất thải cho thành phố Huế, thị trấn Tứ Hạ (quy hoạch lên thị xã), thị trấn Thuận An và thị trấn Bình Điền, là 4 trong 5 đô thị thuộc cụm đô thị động lực được quy hoạch thuộc khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai. Ngoài ra, Khu phức hợp này cũng sẽ phục vụ cho thị trấn Phong Điền, thị trấn Sịa và một số đô thị tiểu vùng lân cận. Lúc đó, các bãi rác hiện hữu hoặc đang quy hoạch sẽ đóng vai trò là các trạm trung chuyển chất thải trước khi chuyển về khu phức hợp. Giải pháp này sẽ làm tăng hiệu quả quản lý chất thải rắn trên toàn tỉnh một cách tập trung, kiểm soát chặt chẽ chất thải rắn và giảm thiểu tác động môi trường, giảm nhu cầu sử dụng đất để tạo thuận lợi cho phát triển đô thị. Dự án sẽ góp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo khả năng chịu tải, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thành phố Festival Huế mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung theo như Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/05/2009 của Bộ Chính trị ban hành về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
Như vậy, có thể thấy rằng dự án này sẽ mang lại lợi ích đồng thời cho cộng đồng dân cư, Nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra sự cân bằng cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo các yêu cầu về xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xin cảm ơn ông!