TP. Hồ Chí Minh: Du lịch đường sông bị bỏ ngỏ

Cập nhật: 26/10/2010
TP.HCM có nhiều tiềm năng lớn về cảnh quan trên hệ thống kênh rạch chằng chịt, cũng như tài nguyên thiên nhiên với phong cảnh hữu tình, nên thơ. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác du lịch đường sông đang bị bỏ ngỏ, hoặc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của nó.

Ảnh: Thuyền Đông Dương hoạt động đón khách

Nhiều vấn đề cần được tháo gỡ

Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt là do hệ thống cầu vượt sông có độ cao quá thấp khiến các tàu lớn không thể qua lại, mặt khác ô nhiễm môi trường do chất thải của các công ty và người dân thải ra môi trường cũng là bài toán nan giải đối với ngành du lịch thành phố.

Theo chị Thanh Lam, quản lý thuyền Đông Dương, đơn vị chuyên khai thác lữ hành tại bến Bạch Đằng thì “Rác thải gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của công ty, khi thủy triều xuống, mùi hôi thối bốc lên cộng với lượng lớn rác ứ đọng lại gây rất nhiều phản cảm mà không hề có người thu gom”.

Còn đối với Làng du lịch Bình Quới 2 thì có thuận lợi và bất cập riêng. Theo bà Phạm Thu Anh, Giám đốc Làng du lịch Bình Quới 2 thì tình hình kinh doanh cũng như hoạt động du lịch đường sông chỉ ở mức trung bình vì chi phí cao do phí đầu tư các đội tàu cũng như bảo dưỡng lớn, giá thành cao gấp nhiều lần so với vận chuyển bằng đường bộ. Ví dụ chi phí khách phải trả cho một tour đón khách từ Bến Bạch Đằng trong 1 giờ đối với tàu 100 chỗ là 9 triệu đồng, ca nô trong 20 phút lên tới 700 ngàn đồng…

Chính những khó khăn trên nên tàu và ca nô cũng như đội tàu ở đây chỉ hoạt động cầm chừng và chỉ là dịch vụ thêm cho du khách, chứ không phải là dịch vụ chính khai thác du lịch đường sông, mặc dù đầu tư khá tốn kém.

TP.HCM được xem là điểm trung chuyển hành khách của các tỉnh thành cũng như khách quốc tế đến với các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL nhưng lại có quá ít cầu tàu cũng như bến đỗ cho tàu thuyền du lịch, dẫn tới chi phí bến bãi quá cao. Các cầu tàu thiếu thốn dẫn tới tình trạng neo đậu mất an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo, cảnh báo giao thông thủy còn thiếu nên hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

Theo bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đồng Nai thì chi phí cho việc xây dựng các bến cảng dành riêng cho du lịch khá cao, trong khi quá trình thu hồi vốn lâu, nên đã có những hoạt động kinh tế lồng ghép hoặc là phối hợp với các ngành khác dẫn tới tình trạng cảnh quan xô bồ, khó khăn cho khai thác du lịch.

Cho tới nay, chỉ có một số ít các hãng lữ hành đang khai thác như công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương, Làng du lịch Bình Quới, Bon Sai… chủ yếu là các tour ngắn. Công ty A&T đang khai thác tuyến TP.HCM - Tiền Giang, Cần Thơ - Châu Đốc - Phnompenh - Seamreap. Tháng 6/2010 Sở VHTTDL kết hợp với Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch đường sông tầm ngắn nhiều triển vọng: Kênh Tàu Hủ - Rạch Bến Nghé - Rạch Đỉa - Rạch Ông - Phú Xuân - Ngã Ba Nhà Bè - Làng Họa Sĩ… nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở những kênh rạch nhỏ cộng với nạn khai thác cát một cách tràn lan gây sạt lở nghiêm trọng ở những nhánh sông chính đang là bài toán khó giải trong một sớm một chiều của ngành du lịch.

Tuy nhiên một số tuyến đã đưa vào khai thác cũng tỏ ra kém hiệu quả, bởi cảnh quan khu vực ven sông còn hoang sơ, đơn điệu, các điểm đến thiếu đặc sắc và riêng biệt, các loại hình du lịch trên nước kết hợp thể thao chưa được quan tâm đúng mức đã làm giảm sức hút của loại hình du lịch này.

Liên kết tuyến tầm trung và tầm xa

Hiện nay các địa phương đã và đang bắt tay cùng nhau thúc đẩy du lịch sông nước phát triển. Các Sở VHTTDL Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh đã khảo sát và thống nhất mở các tuyến Sài Gòn - Đồng Nai, Sài Gòn - Bình Dương và Sài Gòn - Tây Ninh. Thế mạnh của các địa phương này là các làng nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, sơn mài, cộng với du lịch sinh thái vườn hy vọng trong thời gian tới sẽ đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm, những lựa chọn thú vị hơn. Theo một khảo sát của Sở VHTTDL TP.HCM, có thể sớm đưa vào hoạt động các tuyến như làng Họa Sĩ-Ngã Ba Nhà Bè - Quận 2, Rạch Bến Nghé - Kênh Tàu Hũ (dọc đại lộ Đông Tây) ngoài ra còn có thể đưa vào khai thác các tuyến liên vùng như Sài Gòn - Bình Dương (khu du lịch Đại Nam, làng cây trái Lái Thiêu, các làng nghề gốm sứ Bình Dương…), Sài Gòn - Đồng Nai (chùa Hội Sơn, Colivan Q9 - Cù lao Phố, nhà vườn Nhật, Làng cá bè Tân Mai, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh Đồng Nai). Bên cạnh sự giúp sức của các cấp (cơ chế chính sách thông thoáng, xây dựng bến đỗ…) thì các hãng lữ hành cũng cần nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách, tạo dựng bộ mặt mới cho ngành du lịch đường sông vốn đang ngủ quên. Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nỗ lực của các ban ngành, địa phương cùng các công ty du lịch hy vọng trong thời gian tới, bộ mặt du lịch đường sông Nam Bộ cũng như TP.HCM sẽ khởi sắc hơn.

Bạch Đằng - Đăng Dũng

 

Nguồn: Báo Du lịch