Với địa thế kết hợp hài hoà giữa quần thể thiên nhiên biển, núi, cùng kiến trúc đô thị và các công trình văn hoá như tượng đài, chùa chiền, nhà thờ, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đủ điều kiện là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thời gian qua, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hàng loạt dự án đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, khu vui chơi giải trí, các tuyến, điểm du lịch với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đôla đang hoạt động hết sức nhộn nhịp.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường vì nhiều cơ sở hoạt động chưa tuân thủ nghiêm túc các qui định về xử lý nước thải, rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch, đòi hỏi các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng phải quan tâm.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 50% số khách sạn, resort đang hoạt động được xây dựng trước thời điểm ra đời Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993) và các quy định về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên-Môi trường (năm 2003) và của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2004) nên thường thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt quy chuẩn. Nước thải tại hầu hết các đơn vị này được thu gom rồi qua bể lắng, sau đó thải trực tiếp theo hệ thống nước thải đô thị chung. Một số cơ sở có diện tích đất rộng thì cho thấm trực tiếp vào môi trường tự nhiên và một vài nơi thoát ra sông, hồ sau khi xử lý. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động sau thời điểm ra đời của Luật Bảo vệ môi trường và các quy chế bảo vệ môi trường thì hầu hết lại là đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, gặp khó khăn về vốn nên cũng ít đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Chỉ khoảng 10% khách sạn có quy mô lớn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Do thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu là du lịch biển nên đây là điểm đến hấp dẫn cho những du khách muốn tận hưởng không khí trong lành, khung cảnh xanh mát, có lợi cho sức khỏe, tránh xa sự đông đúc, khói, bụi và tiếng ồn. Vì vậy, bảo vệ môi trường du lịch hiện nay là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Nhận thức được điều này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã có chuyển biến trong hành động bảo vệ môi trường nhưng chủ yếu mới dừng lại ở việc trồng cây xanh và dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài khu vực kinh doanh; thiếu sự quan tâm xử lý nguồn nước thải phát sinh hàng ngày. Một số đơn vị vẫn còn tình trạng cho nước thải tự ngấm trực tiếp vào đất. Việc làm này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, nhất là ở khu vực ven biển.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng đề aán truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, sẽ được thực hiện trong năm 2011. Theo đó, đối tượng mà đề án hướng đến là khách du lịch, những người làm du lịch và liên quan cùng cộng đồng dân cư. Nội dung tuyên truyền sẽ bằng các hình thức báo chí, truyền thông lưu động, tổ chức tập huấn cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch...
Hy vọng với nhận thức và quyết tâm trên, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu sẽ sớm trở thành một trung tâm du lịch xanh, thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước, hoàn thành mục tiêu phát triển ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ, du lịch và thương mại, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Mỹ Hạnh (biên tập)