UBND TP Hà Nội vừa thông báo kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu vực dân cư trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch này, đến năm 2015, TP sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Danh sách di dời các tổ chức kinh tế sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề sản xuất sau: Hóa chất; tái chế, mua bán chất phế thải; tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan; luyện cán cao su; thuộc da; xi măng mạ điện; gia công cơ khí; in, tráng bao bì kim loại; sản xuất bột giấy; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh; chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng); chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn; sản xuất bánh mứt kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết); sản xuất thuốc lá; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp; giết mổ gia súc; chế biến than.
Từ nay đến cuối năm 2010, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành liên quan phải hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng thực tế trong việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, từ nay đến hết quý II/2011, Thành phố tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị đang sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch cần phải di dời.
Trước năm 2012 thành phố sẽ phải di dời các cơ sở có diện tích sử dụng đất lớn hoặc các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc không phù hợp với quy hoạch tại 10 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai và Hà Đông.
Các trường hợp còn lại sẽ phải xử lý môi trường hoặc hoàn thành di dời trong năm 2015.
Thành phố sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện kế hoạch di dời bằng biện pháp cưỡng chế buộc ngừng sản xuất hoặc thu hồi đất; đối với các đơn vị di dời sớm, đúng kế hoạch sẽ được đề xuất hỗ trợ.