Mua hóa chất dễ như mua rau
Trong vai doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt nhuộm, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Khoa học và Môi trường M.L. quận Gò Vấp. Tại đây, đơn vị đã đưa một bảng giá các loại hóa chất. Giá của loại hóa chất có thể vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/kg hoặc lít, tùy thuộc vào nguồn gốc cũng như chất lượng của các loại hóa chất.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, có những loại hóa chất không có nguồn gốc sử dụng chỉ có giá khoảng vài ngàn đồng/kg nhưng chất lượng sử dụng rất tốt. Công ty M.L. cho biết khi nào sử dụng đạt yêu cầu (tức đạt tiêu chuẩn loại B đối với nước thải dệt nhuộm) mới lấy tiền.
Công ty Tư vấn môi trường B.C. (quận Tân Phú) cẩn trọng hơn. Khi biết chúng tôi muốn mua sản phẩm sinh học xử lý nước thải ngành thuộc da, công ty này đề nghị được xuống nhà máy sản xuất để trực tiếp lấy mẫu nước thải về phân tích. Trên cơ sở chất lượng nước thải, họ sẽ chuyển giao công thức sử dụng hóa chất, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng sử dụng yêu cầu.
Điều đáng nói là hóa chất mà họ sử dụng trong công thức xử lý được mã hóa theo tên gọi thương mại nên cụ thể hóa chất đó là loại gì, thật khó biết. Miễn là DN sử dụng hóa chất của họ là có thể yên tâm về chất lượng nước thải. Bản thân DN cũng không cần quan tâm hóa chất mình đang sử dụng là gì, miễn là đáp ứng yêu cầu cơ quan chức năng đưa ra là được.
Trao đổi với một số DN tại Khu công nghiệp Hiệp Phước và Tân Bình, đại diện Công ty S.I.V cho biết, dịch vụ tư vấn về môi trường hiện phát triển rất mạnh. Chỉ cần DN có nhu cầu tư vấn về môi trường và chấp nhận trả khoảng 20 triệu đồng/năm, có thể nhận được sự tư vấn của hàng chục đơn vị.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có tiền thuê đơn vị tư vấn môi trường. Phần lớn cơ sở sản xuất nhỏ tìm đến chợ Kim Biên để mua các loại hóa chất về tự xử lý chất thải. Tại chợ Kim Biên quận 5, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều loại hóa chất được bày bán mà nguồn gốc xuất xứ như thế nào đến người bán cũng chịu.
Chị Lê Hòa, chủ một sạp hàng, cho biết, cửa hàng của chị bán rất nhiều loại hóa chất như axit, muối sắt, đồng, nhôm, phốt pho… Giá của các loại hóa chất cũng khác nhau phù hợp túi tiền của người mua, khoảng từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Người mua muốn số lượng bao nhiêu cũng đều được đáp ứng.
Khi chúng tôi đề cập đến việc sử dụng với liều lượng như thế nào, chị phán: “Cứ bỏ vào nước thải cho đến khi nào đạt yêu cầu thì thôi chứ tôi có biết nước thải của đơn vị anh nhiều ít như thế nào đâu mà cân đối liều lượng”.
Tồn dư hóa chất trong môi trường: không thể kiểm soát
Việc sử dụng thiếu kiểm soát đã và đang là nguy cơ gây ra tồn dư lượng lớn hóa chất ra môi trường. Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trung tâm Y tế dự phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, các chất thải ô nhiễm sẽ thông qua chuỗi thực phẩm đi vào cơ thể con người và gây ra những bệnh lý hết sức nguy hiểm mà điển hình nhất là bệnh ung thư, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, rối loạn hệ thần kinh... Trên thực tế, tình trạng các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Hàng năm ước tính Việt Nam có khoảng 16.400 - 18.800 ca bệnh có căn nguyên từ ô nhiễm.
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết, hiện có khoảng 200.000 loại hóa chất được sử dụng trong thực tế mà không thể kiểm tra, phát hiện. Các loại hóa chất này nhập khẩu vào nước ta bằng nhiều đường khác nhau. Việc kiểm soát sử dụng hóa chất này trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện hệ thống trung tâm kiểm định, phân tích hóa chất của nước ta vừa yếu vừa thiếu, không đủ trang thiết bị kỹ thuật để kiểm định, phân tích và phát hiện các loại hóa chất. Những vụ việc sử dụng hóa chất độc hại bị phát hiện trong thời gian qua đều dựa trên kết quả của nước ngoài. Theo đó, hàng hóa của một số công ty khi xuất khẩu sang các nước khác bị phát hiện có sử dụng hóa chất lạ, độc hại, đã bị trả lại.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, khẳng định, hiện việc sử dụng, mua bán hóa chất trên thị trường đang bị thả nổi. Người bán không có chuyên môn, còn người sử dụng càng mù tịt. Hóa chất đang được bày bán có thể có tên hóa học nhưng cũng có những loại lấy tên thương mại nên người tiêu dùng rất dễ lạc vào “ma trận hóa chất”. Do đó, không ngoại trừ trường hợp hiện có một lượng lớn hóa chất tồn dư từ hệ thống xử lý nước thải sản xuất phát tán ra môi trường mà không được phát hiện cũng như kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Phùng Chí Sỹ, cần phải kiểm soát chặt chẽ đầu ra của hóa chất. Theo đó, người bán hóa chất cần phải có chứng chỉ chuyên ngành. Mỗi loại hóa chất được bán cần phải kèm bảng hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả hóa chất. Các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý nguồn gốc các loại hóa chất.
Ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống phân tích với đủ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu đo đạc, phân tích chất thải. Có như vậy mới kịp thời phát hiện, loại hóa chất tồn dư trong môi trường, từ đó có biện pháp phòng ngừa và xử lý thích hợp.