Sớm đưa các hoạt động VHTTDL các tỉnh miền Trung hoạt động trở lại

Cập nhật: 02/11/2010
Như tin đã đưa, trong các ngày 27-29/10, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã về 3 tỉnh miền Trung kiểm tra thực tế, nghe báo cáo của các tỉnh về mức độ thiệt hại để tìm biện pháp tốt nhất (kết hợp giữa Trung ương và địa phương) chủ động khắc phục những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra.

Ảnh 1: Đại diện UBND xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An đang báo cáo những thiệt hại về văn hóa, du lịch trên địa bàn

Theo báo cáo nhanh của các Sở VHTTDL thì tại Nghệ An, trong trận lũ vừa qua, tổng thiệt hại của ngành gần 50 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là những thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị văn hoá, thể thao và các điểm tham quan du lịch. Tại Quảng Bình là 39,8 tỷ đồng, chưa kể một số huyện có các thiết chế về văn hoá, du lịch cả trong diện bảo tồn và đang được khai thác tiềm năng mà chưa kịp thống kê. Tại Hà Tĩnh, con số thiệt hại thống kê chưa đầy đủ cũng lên tới trên 50 tỷ đồng.

Có mặt tại các công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh Nghệ An trong những ngày nước lũ đã rút nửa tháng, nhưng đoàn công tác cũng không khỏi bàng hoàng trước cảnh tan hoang và tiêu điều do thiên nhiên gây ra. Khu di tích Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu... phải mất cả ngàn công lao động để nạo vét bùn và sửa tường, lợp mái... Ước tính thiệt hại tới hơn 300 triệu đồng. Di tích danh thắng tại các huyện thuộc Nghệ An (trên 50 di tích) bị ngập sâu từ 1 đến 5 mét, thiệt hại lên đến trên 5 tỷ đồng.

Các Trung tâm văn hoá, phòng truyền thống, thư viện huyện, xã, nhà văn hoá phần lớn chưa thể hoạt động trở lại, mức thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Các cụm cổ động phục vụ văn hoá, chính trị bị siêu vẹo và gãy đổ hoàn toàn nay đang được gấp rút làm mới và chỉnh trang. Sân bóng đá bùn lấp cao tới 20 cm, nền sân ngập nước nhiều ngày cũng trở thành bùn nên việc khắc phục trở nên khó khăn tựa như làm mới...

Những di tích ở vị trí khá cao như Đền Vua Lê, xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên hoặc Di tích Xứ uỷ Trung Kỳ... cũng bị tốc mái, sạt tường và bùn lầy làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc tham quan và nhiều khó khăn trong công tác sửa chữa tu bổ.

Sau khi đi khảo sát và kiểm tra đánh giá về những thiệt hại của ngành do lũ lụt gây ra, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ông Thái Văn Hằng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh cung cấp và báo cáo tổng thể những thiệt hại về các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch trên toàn tỉnh.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là các thư viện, các di tích trọng điểm, các khu danh thắng... để sớm hoạt động trở lại. Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo Sở VHTTDL cùng các cán bộ nhân viên phát huy cao nhất tinh thần và sức lực nhanh chóng khắc phục hậu quả của lũ lụt, có kế hoạch chi tiết, ưu tiên thực hiện tu bổ và sửa chữa từng công trình một cách thiết thực và hiệu quả.

Nhiều cây cổ thụ trong Khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) bị quật ngã

Tại Hà Tĩnh, 9/9 huyện đều bị ngập lụt nặng, kéo theo là các công trình văn hoá, các nhà văn hoá, thư viện chìm sâu trong nước. Các trung tâm thể thao, di tích lịch sử, khu du lịch... thiệt hại nặng về tài sản và cơ sở vật chất. Các di tích quốc gia như Khu di tích Nguyễn Du, TTVH huyện Nghi Xuân, đền Cả Tổng Du Đồng, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú, đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Nguyễn Xí... bị hỏng nặng. 15 cụm cổ động chính trị, văn hoá bị trôi hoặc gãy đổ, hư hỏng không còn khả năng khôi phục. Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật, Trụ sở VHTTDL, Thư viện tỉnh đều bị ngập sâu, tốc mái, trang thiết bị hỏng hóc hoặc bị nước cuốn trôi. Các khu du lịch, cầu cống, cảnh quan bị sạt lún hoặc biến dạng như khu du lịch Xuân Thành, Gia Lách (Nghi Xuân); Khu Nước Sốt (Hương Sơn). Các khách sạn tại TP Hà Tĩnh như Mỹ Bình (Can Lộc) cũng bị hư hỏng về cơ sở vật chất và tài sản.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, mọi hoạt động của ngành văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh đều đã vận hành và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có thể cả năm sau cũng chưa thể khôi phục xong những thiệt hại và tổn thất lớn về tài sản, cơ sở vật chất mà thiên nhiên đã gây ra.

Kiểm tra tại Di tích Hang Tám cô (Bố Trạch, Quảng Bình)

Tại Quảng Bình, Khu du lịch sinh thái động Thiên Đường giá trị khoảng trên 25 tỷ đồng đã bị lũ xoá sổ. Trung tâm Du lịch, Văn hoá, Sinh thái thuộc vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện tại mới dọn và chỉnh trang được khu đón tiếp. Nhiều hang động bùn tràn ngập mất rất nhiều công sức cải tạo, nạo vét. Thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng và gián đoạn việc kinh doanh phục vụ tham quan du lịch.

Ngoài ra, các nhà văn hoá, các di tích và cụm di tích, hệ thống thông tin cổ động, các thư viện tại 7 huyện đều bị đổ tường, trôi, sập thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản do Sở VHTTDL quản lý thiệt hại 2,5 tỷ đồng. Ngay tại văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc cũng thiệt hại hàng tỷ đồng...

Qua khảo sát và nghe báo cáo trực tiếp, có thể khẳng định đây là lần đầu tiên ngành VHTTDL của cả 3 tỉnh miền Trung đều rơi vào thảm cảnh thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Trong khi lãnh đạo các tỉnh miền Trung còn đang bộn bề lo toan về miếng cơm manh áo cho nhân dân, lo đồng ruộng, con giống và tình hình tiếp tục chống lũ lụt thì hơn bao giờ hết, ngành VHTTDL càng tỏ rõ bản lĩnh và sự quyết tâm vì lợi ích chung của ngành. Bên cạnh việc đề xuất Bộ VHTTDL ưu tiên các nguồn vốn thuộc CTMTQG năm 2011; đề nghị và chờ hỗ trợ về ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, thì ngành VHTTDL đang và đã bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, tu bổ và từng bước khai thác các dịch vụ văn hoá, du lịch mà tấm gương hoạt động của Trung tâm DLVHST thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là trường hợp điển hình cần biểu dương và nhiều đơn vị trong ngành phải học tập.

Ngọc Năm