Xe điện...
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng nằm trên địa bàn TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mỗi năm đón nhận hàng trăm ngàn lượt khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Điều mà Ban giám đốc Khu di tích quan tâm nhất là dùng phương tiện gì để vận chuyển du khách đi tham quan các điểm trong cụm di tích. Cách đây khoảng vài năm khi bãi đỗ xe tập trung của khu di tích còn hẹp thì du khách phải gửi xe máy, ô tô cách đó vài ba km rồi đi bộ hoặc xe ôm, giá thành từ 10 - 20 nghìn đồng, thậm chí cao hơn một chút cũng không mặc cả bởi đi trẩy hội chẳng ai tính chuyện thiệt hơn. Nếu là đoàn khách tập thể thì xe ô tô chở lên tận chân cổng Đền Thượng hoặc đền Giếng rồi quay ra bãi gửi xe tập trung chờ khách xong việc. Mặc dù lúc cao điểm xe ôm bị cấm tuyệt đối nhưng không thể kiểm soát nổi bởi họ tự tìm con đường tắt ngang, tắt dọc riêng. Có những ngày hàng trăm chiếc xe ôm tự do cùng hoạt động gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường cả không khí và tiếng ồn. Đôi lúc xe ôm ngang nhiên chở 3 - 4 khách phóng với tốc độ cao, lạng lách để tranh giành khách khiến cho khu vực này lộn xộn, đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ngoài chuyện giá cả chặt chém còn hệ lụy lớn nhất là tình trạng các xe động cơ ra vào Đền Hùng tự do nên tình trạng ô nhiễm môi trường rất nặng. Có ngày khói đặc quánh như sương mù còn hơn cả các tuyến đường ở Hà Nội.
Thực ra động cơ chạy bằng điện đã sử dụng từ rất lâu nhưng xe điện loại nhỏ phục vụ chung chuyển khách ở các khu du lịch mới xuất hiện nên giá thành tương đối cao. Một chiếc xe hiệu E-Go, 14 - 16 chỗ ngồi kể cả lái xe có xuất xứ từ Trung Quốc nếu nhập nguyên chiếc về đến nước ta khoảng trên dưới 400 triệu đồng. Được sự quan tâm, trợ giúp của một số đơn vị, hiện nay Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng đã mua được 8 chiếc xe điện kể trên. Như vậy giá thành của một chiếc xe điện tương đối cao so với mua phương tiện vận tải khác. Phụ tùng thay thế rất khó vì đây là xe nhập ngoại nguyên chiếc. Mỗi xe trang bị 12 bình ắc quy loại 6v/chiếc nhưng cũng chỉ chạy được khoảng 70km là hết điện và thường thì 2 năm sau phải thay thế toàn bộ bình ắc quy mới. Giá nhập ngoại mỗi chiếc ắc quy lên tới 7 triệu đồng. Nếu mua trong nước thì giá thành giảm một nửa nhưng thời gian sử dụng chưa bằng 1/3 thời gian của loại nhập ngoại. Sau 2 năm riêng tiền thay bình ắc quy ngốn gần 100 triệu đồng/1xe. Tại Đền Hùng có khoảng 10 tuyến cho xe điện chạy như: Cổng chính đi: Đền Giếng, Đền Mẫu, Đền Quốc Tổ, Khu Sinh Thái… tuyến xa nhất khoảng 4km. Mỗi khách hàng phải trả từ 5 - 10 nghìn đồng/tuyến. Giá này tương đối hợp lý vì xe chạy chậm, an toàn, không gây tiếng ồn, khách vừa đi vừa được vãn cảnh thậm chí lái xe còn kiêm hướng dẫn viên du lịch giúp du khách hiểu sâu sắc hơn vị trí khu di tích và nơi mình đang đến. Xe chỉ chạy với tốc độ tối đa 30km/h. Đó là vào chính lễ hoặc ngày nghỉ, ngày bình thường vắng khách nhiều xe không lăn bánh. Anh Đặng Tiến Khanh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch Đền Hùng suy luận: “Nếu tính chi ly thì loại xe điện sẽ có lợi rất nhiều cho du khách nhưng biết bao giờ mới thu lại được gốc. Song đó không phải là vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Phương châm của Ban giám đốc là lấy tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làm chính. Loại xe này chỉ cần nạp đủ điện là chạy, từ khi có 8 chiếc xe điện thay nhau hoạt động đến nay không còn một chiếc xe ôm nào ra vào khu vực này vì du khách thực sự hài lòng với loại xe kể trên”. Ưu điểm lớn nhất đối với du khách khi đi xe điện là số người tập trung hơn, dễ hợp đồng về thời gian, địa điểm, môi trường thực sự trong sạch so với xe đưa, đón khách chạy bằng nhiên liệu, trên mỗi xe đều có bảng chỉ dẫn và sơ đồ khu di tích để du khách tham khảo chọn điểm đến cho mình. Mặc dù xe điện ở Đền Hùng mới đưa vào sử dụng được 3 - 4 năm (khoảng cuối năm 2006) nhưng rất hiệu quả. Dịp lễ lớn nếu số xe điện đủ phục vụ khách thì mỗi ngày sẽ giảm khoảng 70 - 100 chiếc xe ô tô và xe ôm các loại tự do chuyên chở khách ra vào Đền, đồng thời mỗi ngày tiết kiệm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lít xăng, dầu cho Nhà nước. Với giá thành gần 20 nghìn đồng/1lít xăng như hiện nay thì số tiền đó cũng không nhỏ…
Và những ý tưởng... hoang dã
Khu di tích Quốc gia cần sự trang nghiêm, tôn kính nên Ban Giám đốc đang nung nấu, hình thành thêm một ý tưởng mới có phần hoang dã: xe ngựa, vì đây là phương tiện mới lạ, hấp dẫn, đầu tư cũng không lớn. Dự tính xe ngựa cũng làm theo kiểu cách của xe điện, nghĩa là có từ 12 - 18 chỗ ngồi, có mái che, chạy bằng bánh lốp và do 2 con ngựa cùng kéo. Nếu dự án triển khai và đi vào hoạt động sẽ hoàn toàn giải phóng tuyệt đối năng lượng như xăng, dầu và nguồn điện. Giá thành lại rẻ kể cả so với xe điện vì mỗi con ngựa giá khoảng 15 - 20 triệu đồng, chi phí cho một cỗ xe ngựa chưa đầy 100 triệu đồng, như vậy 1 xe điện tương đương 3 - 4 xe ngựa. Nếu xe điện chạy khoảng 70 - 100km là hết điện và phải chờ nạp khoảng 10 tiếng sau mới hoạt động trở lại thì xe ngựa có tính ưu việt hơn hẳn là cơ động cách khu du lịch vài chục km để đón, đưa, trả khách mà chỉ cần “chạy bằng cỏ”. Nếu mỗi chuyến chở gần hai chục người thì xe ngựa thực sự trở thành phương tiện giao thông vận tải vô cùng hữu hiệu giảm đáng kể lưu lượng người cùng các xe động cơ công cộng khác trên đường, không cần phải mua xăng, dầu. Nhưng trở ngại lớn nhất là liệu ngựa có quen với khí hậu vùng trung du này không? Vì thế đây mới chỉ là dự án. Rất mong những tấm lòng hảo tâm nhất là trên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nuôi nhiều giống ngựa quý “cung tiến” cho khu di tích lịch sử Đền Hùng những chú “Tuấn mã”. Đó cũng là dịp để thể hiện tấm lòng thành kích với cha ông.
Những ý tưởng hay chắc chắn sẽ đem lại cho khu di tích lịch sử Đền Hùng điều mới lạ. Và cái được lớn nhất trong phương tiện vận chuyển hành khách khi chuyển từ hiện đại (xe chạy bằng nhiên liệu) sang phương tiện thô sơ (xe điện, xe ngựa) là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nguồn năng lượng lớn, thứ mà toàn cầu đang cùng nhau kêu gọi…
Bài và ảnh: Hoàng Nghiệp