Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, trong 10 ngày đại lễ, trung bình có khoảng 30.000 du khách tham quan, ngày cao điểm có tới 50.000 người. Sau đại lễ trung bình mỗi ngày có 2.000-3.000 người thăm khu thành cổ.
Những ngày cao điểm, đơn vị quản lý khu di tích đã phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên lên đến cả trăm người, cùng với khoảng 30 tình nguyện viên để hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn tham quan.
Ông Sơn cho biết, do lượng người quá đông vào dịp đại lễ nên một số hạng mục cầu thang tại khu khảo cổ đã bị đứt gẫy, cần sửa chữa. Tuy nhiên, nhìn chung đợt đón khách tham quan khu khảo cổ di tích Hoàng thành đã đạt kết quả tốt đẹp. Di sản văn hóa thế giới đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng sau nhiều năm ngủ yên dưới lòng đất.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, từ hôm nay, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu đóng cửa để thực hiện bảo tồn, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học, song khu Hoàng thành vẫn được mở cửa đón khách tham quan đến hết năm nay.
Dịp đại lễ, cùng với việc thăm các di tích tiêu biểu như Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, nhà D67, du khách có dịp tiếp xúc một phần di tích đang được bảo tồn nguyên trạng tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và nhiều hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long được trưng bày trong khu Thành cổ Hà Nội.
Tại khu khai quật khảo cổ, Ban tổ chức lập một sa bàn tái tạo lại kiến trúc của quần thể cung điện cổ trong diện tích khảo cổ 33.000 m2. Người xem có thể thấy hàng loạt dấu tích tầng văn hóa, nền móng kiến trúc cung điện, giếng nước, cống nước, hồ cổ, sông cổ, di vật cổ với 10 điểm nhấn, giúp du khách có thể cảm nhận được phần nào sự đa dạng, phong phú, nối tiếp liên tục của các lớp văn hóa và di tích được bảo vệ nguyên trạng từ năm 2002 đến nay.
Đoàn Loan