Nghị định thư Nagoya - hy vọng sống cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa 

Cập nhật: 03/11/2010
Ngày 29/10, các Bộ trưởng Môi trường và đại biểu của hơn 200 quốc gia trên thế giới đã đi đến thống nhất về một thỏa thuận ấn định những mục tiêu mới cho năm 2020 để bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh học và đấu tranh chống lại hiện tượng tuyệt chủng của nhiều hệ động thực vật trên trái đất, cũng như chia sẻ một cách bình đẳng các lợi ích chung.

Đối với rất nhiều người tham dự, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, chưa từng có, được ký kết tại Nagoya (Nhật Bản) trong Hội nghị lần thứ 10 các nước ký hiệp ước về đa dạng sinh học (COP10) với mục tiêu cốt lõi là cứu lấy hệ sinh thái. Các đại biểu đã cùng thống nhất về việc chia sẻ lợi ích liên quan tới các nguồn lực tự nhiên chung giữa các chính phủ và doanh nghiệp. Đây là một chủ đề tương đối tế nhị bởi nó liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và các trao đổi thương mại. Các lợi ích này trị giá hàng tỷ USD, sẽ có thể được dùng cho nguồn quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Các cuộc đàm phán, vốn tương đối căng thẳng, về nhiều mặt của bản thỏa thuận này, đã được tiến hành trong vòng nhiều năm và các cuộc thảo luận kéo dài tại Nagoya kể từ hai tuần nay, cuối cùng cũng đạt được kết quả khả quan vào tối ngày 29/10 (giờ địa phương).

Phát biểu với giới báo chí, ông Achim Steiner, nhà lãnh đạo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tuyên bố nêu rõ: “Hội nghị lần này đã mang lại một thay đổi trong nhận thức của thế giới về tầm quan trọng của đa dạng sinh học rừng, các đầm lầy và các hệ sinh thái khác mà giá trị của chúng lên tới hàng triệu tỷ USD”.

“Các mục tiêu được ấn định nhận thức một cách rõ ràng giá trị của các lợi ích không thể thay thế được mà thiên nhiên mang lại cho con người, dưới dạng thức ăn, nhiên liệu, nước sinh hoạt mà mỗi con người đều phải cần tới”, ông Andrew Deutz, quan chức thuộc Tổ chức của Mỹ Nature Conservancy cho biết.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, kết quả của hội nghị lần này sẽ đưa đến một điểm nhấn tích cực đối với định hướng của các cuộc đàm phán về khí hậu tới đây, vốn còn nhiều bất đồng, tranh cãi về quan điểm giữa các nước giàu và nghèo xung quanh việc chia sẻ chi phí cắt giảm các kênh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các vòng đàm phán về khí hậu sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 29/11 - 10/12 tại Cancun (Mexico) sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick và Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ryu Matsumoto tại Hội nghị Nagoya, ngày 28/10/2010 (Ảnh: Metrofrance)

Chia sẻ các nguồn lực

Theo các chuyên gia, tốc độ tuyệt chủng hàng năm của các hệ động thực vật diễn ra nhanh chưa từng có kể từ khi loài khủng long biết mất khỏi trái đất cách đây 65 triệu năm.

Hội nghị lần này nhằm mục đích khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ các hệ sinh thái vốn đã bị khai thác quá mức cho mục đích lương thực, công nghiệp hay du lịch.

Các đại biểu tham dự cũng nhất trí về một bản kế hoạch 20 điểm xung quanh vấn đề bảo vệ các nguồn dự trữ cá, đấu tranh chống lại tình trạng biến mất hay suy thoái các vùng phân bố tự nhiên và bảo tồn các khu vực biển hay đất liền rộng lớn.

Các đại biểu cũng quyết định áp dụng một hành động khẩn cấp bảo vệ đa dạng sinh học tới năm 2020 để các hệ sinh thái tiếp tục có thể cung cấp những nhân tố thiết yếu cho nhu cầu của nhân loại.

Thỏa thuận nhấn mạnh tới việc bảo tồn 17% diện tích đất và hồ và 10% các khu vực bờ biển tới năm 2020, thay vì chỉ 13% diện tích đất và 1% diện tích đại dương được xác định áp dụng các biện pháp bảo tồn như hiện nay.

Ông Jim Leape, Tổng Giám đốc Tổ chức World Wide Fund for Nature cho biết: “Các chính phủ đã gửi đi một thông điệp khẳng định rằng bảo vệ sức khỏe của trái đất chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách quốc tế”.

Phần thứ 3 của thỏa thuận đã cần tới 20 năm để đi tới kết luận. Nghị định thư Nagoya ấn định các nguyên tắc quản lý và chia sẻ lợi ích bắt nguồn từ việc chế biến các loại dược, mỹ phẩm hay các nguồn lương thực.

Theo nghị định thư Nagoya, các khoản lợi nhuận được chia sẻ dựa trên các thỏa thuận giữa các bên liên quan, việc tiếp cận các nguồn gien phải được tiến hành sau khi thông báo trước cho nước có nguồn gien đó và các nước thành viên của COP10 sẽ cân nhắc các cơ cấu khung cho việc chia sẻ lợi nhuận đa phương. Các bên liên quan sẽ đặc biệt xem xét các tình huống khẩn cấp liên quan đến y tế để xác định có cho phép tiếp cận nhanh các nguồn gien hay không. Mỗi bên sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết và kiểm tra để đảm bảo các doanh nghiệp và viện nghiên cứu không sử dụng các nguồn gien khi chưa có sự ủy quyền.

Nghị định thư này có thể sẽ mang lại nhiều tỷ USD cho các nước đang phát triển có nguồn lực tự nhiên dồi dào.

“Nghị định thư này là một thành công rất rất lớn”, Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira phát biểu đầy tự hào trước báo giới.

“Đây không phải là một nghị định thư không quan trọng. Nó sẽ cho phép mang lại hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp dược phẩm”, ông Tove Ryding, chuyên gia về các vấn đề đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu của Tổ chức Greenpeace nêu rõ.

“Chúng ta cuối cùng cũng có một cái gì đó để hướng tới các kết quả rộng lớn hơn cho môi trường, cho những người nghèo” ông Karl Falkenberg, Tổng Giám đốc văn phòng môi trường của Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Giám đốc hành pháp Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học Ahmed Djoghlaf đã nói: “Nếu Kyoto đã đi vào lịch sử như một thành phố sinh ra thỏa thuận về khí hậu (vào năm 1997) thì Nagoya sẽ mãi là một thành phố nơi thỏa thuận về đa dạng sinh học được hình thành”. “Đây là một thời điểm lịch sử (…) một bài học thức tỉnh cho tất cả những ai không còn lòng tin đối với môi trường”, Bộ trưởng Sinh thái Pháp khẳng định./.

Hải Lê

Nguồn: ĐCSVN