Bát nháo việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê mặt biển

Cập nhật: 05/11/2010
Mặt biển là tài sản chung, là chủ quyền của toàn người dân Việt Nam, việc cho thuê mặt biển cần phải có sự đồng thuận của xã hội vì việc đó có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái. Thế nhưng, tại một số địa phương, việc cho thuê mặt biển diễn ra dường như chỉ có một chiều. Thích ai thì cho thuê, thuần tuý vì kinh tế mà không nhìn được hết những vấn đề xã hội, môi trường, sự nhạy cảm.

1

Cần cẩn trọng khi cho doanh nghiệp nước ngoài thuê mặt biển

Sau khi có Quyết định Số 123 của Chính phủ năm 2006 về việc giao quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, với đối tượng là ngư dân thì ngành thủy sản (lúc đó là Bộ Thuỷ sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã cho tiến hành thử ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Bình Thuận, Kiên Giang…Mục đích của mô hình này hướng tới là khi giao mặt nước biển, ngư dân có chủ quyền về diện tích được giao để yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, họ cũng được thuê diện tích mặt nước và được thế chấp, vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, được bồi thường nếu xảy ra tranh chấp. Sổ đỏ trên biển khi ấy thực sự sẽ là “sổ vàng” cũng có những quyền lợi tương tự như sổ đỏ trên đất liền.

Tuy nhiên, ngay khi ban hành quyết định này, nhiều ngành đã cho rằng, rất khó khả thi. Vì một vùng biển không phải là đối tượng sử dụng của riêng ngành thuỷ sản, và cũng không phải chỉ có ngư dân là người hưởng lợi, mà bản chất của hệ thống tài nguyên biển- ven biển này là đối tượng sử dụng của nhiều ngành, các ngành và người hưởng dụng khác nhau sẽ cùng khai thác du lịch, bảo tồn, thuỷ sản, giao thông đường biển,…Mặt biển, hải đảo hay nói rộng ra là không gian biển, đó là những hệ thống tài nguyên chia sẻ, nhiều ngành khai thác mà chỉ giao cho một ngành, một đối tượng sử dụng là khó khả thi.

Hai địa phương đầu tiên thực hiện việc giao mặt nước biển cho dân là Quảng Ninh và Khánh Hòa. Cũng xuất phát từ chủ trương này mà hai địa phương trên đã cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê diện tích mặt nước biển. Cụ thể, tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, có tới 19 dự án nuôi trồng thủy sản, dự án ít cũng vài ha, nhiều như Cty TNHH Việt Mỹ nuôi trồng thủy sản ở xã Quan Lạn 506 ha, Cty TNHH Bạch Đằng nuôi tôm công nghiệp ở xã Bình Dân 237 ha, dự án của Cty ToDi ở xã Đài Xuyên 569 ha, dự án nuôi ngọc trai của Cty TNHH Taiheyo Shinju ở xã Bản Sen Đông Xá 30 ha…Hay có đến 1.000 ha mặt biển ở Vạn Ninh, Khánh Hoà được giao cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê để nuôi trai lấy ngọc, nuôi cá… Doanh nghiệp thuê diện tích lớn nhất, lâu năm nhất là Công ty TNHH Ngọc Trai Nha Trang của Đài Loan với 442ha. Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp nước ngoài khác như Công ty Ngọc Trai Việt Nam (Nhật Bản) thuê 300ha; Công ty Ngọc Trai Nha Trang (Nhật Bản) 130ha; Công ty Marifarm (Na Uy) 136ha… để nuôi ngọc trai, cá lồng…Trong khi nhu cầu của người dân bản địa muốn được thuê mặt biển để nuôi trồng thuỷ sản thì các cấp chính quyền sở tại lại quá đắn đo, cân nhắc.

Ngoài ra, các bãi tắm đẹp ven biển ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Phú Quốc cũng đã và đang được giao cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tự khoanh vùng hoặc thuê dài hạn, tối đa là 20 năm. Nhiều đoạn bờ biển nay đã trở thành bất khả xâm phạm không chỉ đối với du khách và ngay cả chính những cư dân sở tại.

Thực tế tại một số địa phương trên, khi được hỏi ngư dân địa phương có ý lo ngại rằng, chuyện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thuê mặt biển, mặt bãi với diện tích rất rộng, dễ bị trùng lấn với những vùng đánh bắt, khai thác quen thuộc của họ. Nay doanh nghiệp họ vào đầu tư, ngư dân không được phép bén mảng vào khu vực đó để tìm kiếm nguồn lợi thủy sản như những gì mà cụ, kỵ, ông, cha họ đã làm. Nếu việc cho thuê không được chấn chỉnh trong thời gian tới, có khi ngư dân phải đi làm thuê trên chính mặt biển quê hương họ.

Hiện nay, mật độ dân số nước ta ở các vùng ven biển rất đông nên phần nhiều đã bị khai thác quá mức. Do đó, việc cho nước ngoài vào thuê mặt biển sẽ càng gây căng thẳng, mất an ninh. Rõ ràng, khi thuê được rồi, các ông chủ nước ngoài sẽ ngăn lại, làm mất quyền giao thông, mất quyền khai thác tại vùng biển quê hương của người dân là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, việc thuê mặt biển để kinh doanh quy mô lớn có thể gây những tác động khôn lường về môi trường.  

Việc cho thuê mặt biển để kinh doanh là việc làm nên cân nhắc. Nếu chỉ để thu một số tiền ít ỏi từ việc cho thuê mặt biển mà làm mất chủ quyền cả một vùng biển rộng lớn thì đúng là một việc không đáng làm. Nếu không suy xét cẩn trọng, chắc chắn địa phương đó sẽ phải trả giá đắt trong hiện tại và tương lai. Nếu thuê để làm bảo tồn hải dương thì có thể nên khuyến khích nhưng để nuôi trồng thì phải xem lại, bởi sớm muộn sẽ tạo sức ép rất lớn cho môi trường biển.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: Nước ta vẫn đang có thói quen khai thác những thứ thô sơ, chứ chưa nghĩ đến việc khai thác các giá trị dịch vụ của biển để có của ăn, của để. Điều vừa nói cũng có nghĩa là quy hoạch sử dụng biển, hải đảo phải đi trước một bước để sử dụng biển đạt mục tiêu: đa ngành, đa mục đích, đa lợi ích.

Muốn giao và cho thuê, trước hết phải tiến hành phân vùng chức năng vùng biển, ven biển, hải đảo để xác định các mảng không gian, giúp định hướng cho quy hoạch khai thác và sử dụng biển, hải đảo trên phạm vi toàn quốc và cho từng vùng biển. Trên đất liền đã có quy hoạch sử dụng đất thì dưới biển cũng phải có quy hoạch sử dụng biển, hải đảo. Trong đó, tính toán phương án sử dụng tối ưu, bao nhiêu diện tích giao cho ngành thuỷ sản, cho du lịch, cho giao thông,…và đương nhiên tất cả phải bố trí sao cho không ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên dùng lâu dài. 

Trên cơ sở “quỹ” không gian biển được xác định như vậy thì mới tiến hành phân bổ và giao cho các ngành, các địa phương diện tích cụ thể (gồm mặt nước biển, khối nước biển, bề mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển). Các ngành, địa phương thực thi các chính sách khuyến khích của ngành trong phạm vi không gian được phân bổ. Có thế thì việc sử dụng biển đảo mới thành công, bài bản và căn cơ.         

Chỉ số tính bền vững của một vùng biển/một hệ thống tài nguyên biển phải dựa trên nhiều yếu tố như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường mới ra được. Về nguyên tắc, việc khai thác, sử dụng, phát triển kinh tế bao giờ cũng gây tổn thương đến môi trường, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Nếu quá ưu tiên phát triển, tham vọng phát triển bằng mọi giá thì môi trường phải hỏng, mà nó lại là nền tảng của sự tồn vong của chính chúng ta và ảnh hưởng đến thế hệ con cháu.         

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và học hỏi cả kinh nghiệm quốc tế để soạn thảo Luật Tài nguyên và Môi trường biển, trong đó có đề cập đến việc cấp phép và thu hồi giấy phép sử dụng và khai thác biển, hải đảo, thảo luận việc cho thuê thì phí thế nào, thuế ra sao, thẩm quyền?...

Nguyễn Vũ Thanh

 

Nguồn: Vfej.vn