Khu Du lịch sinh thái Na Hang - "Nàng tiên xanh" nổi bật giữa đại ngàn

Cập nhật: 09/11/2010
"Ai lên Tuyên Quang, ngược vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi..." Giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Nà Hang” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa vấn vương, như mời gọi chúng tôi lên với Na Hang - "nàng tiên xanh" giữa đại ngàn.

Cái tên Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là "ruộng cuối." Trước đây, từ thành phố Tuyên Quang đến Na Hang phải đi mất vài ngày bằng con đường độc đạo hơn 100km. Nhưng hiện nay, đường lên Na Hang được nâng cấp mở rộng nên du khách chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi xe khách là có mặt tại Na Hang.

Na Hang có những cánh đồng lúa xanh mượt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình, giống như một "nàng tiên xanh" nổi bật giữa đại ngàn.

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang giới thiệu, kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng với hơn 8.000ha mặt nước, 99 ngọn núi hùng vĩ, được ví là như "Hạ Long cạn giữa đại ngàn."

Đặc biệt là năm 2009, 10 di tích tại khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang gồm Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà); hang Phia Muồn (xã Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm); Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, Địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Ông Sơn cho biết thêm, ở Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, đập chính của nhà máy là loại đập đá đổ bê tông bản mặt đầu tiên của Việt Nam. Công trình có nhiệm vụ chính là sản xuất ra điện, kết hợp phòng lũ cho thành phố Tuyên Quang và là nguồn cấp nước mùa kiệt cho vùng hạ lưu. Ngoài ra công trình còn góp phần cải tạo khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tạo ra khu du lịch sinh thái lòng hồ.

Các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã được hình thành từ năm năm trở lại đây. Nếu đi thuyền vãn cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang (với chiều dài khoảng 70km), du khách sẽ có sáu giờ đồng hồ đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây.

Trên đường đi, du khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mũi hếch có tên trong Sách Đỏ thế giới; ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát; thăm hang Phia Vài (nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm) và hang Thẩm Choóng (thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, huyện Na Hang) - nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 -8.000 năm.

Không những vậy, du khách còn được thăm chợ vùng cao Thượng Lâm thường họp vào thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần để thưởng thức chén rượu ngô Na Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, nghe kể về những truyền thuyết của miền đất huyền thoại này như sự tích hoa Phạc Phiền, chuyện Đèo Nàng, sự tích 99 ngọn núi…

Trên thượng nguồn sông Gâm, sông Năng, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản từ cá lăng, cá chiên, cá rầm xanh, cá anh vũ, sau đó còn được nhâm nhi chén trà Shan Tuyết nóng hổi với vị ngọt đậm đà - một đặc sản của vùng núi cao Na Hang.

Na Hang còn được biết đến là vùng đất an cư của 12 dân tộc với những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... ngân nga làm say đắm lòng người.

Hiện Na Hang có gần chục cơ sở lưu trú với hơn 200 phòng nghỉ. Cùng với việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp, hộ làm du lịch còn đầu tư mua 120 tàu, thuyền vừa phục vụ du khách, vừa làm phương tiện vận chuyển người và hàng hóa trong khu vực hồ thủy điện.

Nhận thức về du lịch của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì bán những gì sẵn có, các doanh nghiệp như Công ty du lịch Nga Viên, doanh nghiệp Thắng Linh... đều tập trung phát triển các dịch vụ ăn uống, tàu thuyền du lịch và các sản phẩm ẩm thực, quà tặng.

10 tháng qua, Na Hang đã thu hút gần 19.000 lượt du khách, tăng hơn 20% so với năm 2009. Ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Na Hang cho biết để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt tổng thể Khu du lịch sinh thái Na Hang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đồng thời tiến hành lập bản đồ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Na Hang.

Phạm vi quy hoạch rộng 15.000ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000ha, khu du lịch bao gồm các phân khu chức năng như khu đón khách du lịch tại thị trấn; khu Lâm viên Phiêng Bung; khu Lâm thủy Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu thủy trại Đà Vị và các điểm khu làng du lịch văn hóa; các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí...

Hiện huyện Na Hang đang chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình khu đón tiếp khách du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; triển khai tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn về công tác phát triển du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch đến với Khu du lịch sinh thái Na Hang.

Huyện cũng phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang...

Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2015 đưa dịch vụ-du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm hơn 34% trong cơ cấu kinh tế của huyện./.

Vũ Quang Đán

 

Nguồn: TTXVN