Bảo tồn nơi rừng cấm vùng biên – Kỳ 1

Cập nhật: 10/11/2010
Tháng 10, thung lũng Quây Sơn vàng óng màu lúa chín. Giữa điệp trùng máu xám trắng đặc trưng của các triền núi đá vôi, sắc nắng trời chiều càng tạo cho bức tranh sơn thủy với cánh đồng lúa ánh vàng nổi bật. Trong dải màu gợi cảm ấy, dòng Quây Sơn mềm mại uốn mình.

Lặng ngắm trước cảnh tạo hóa khéo vẽ hình mơ mộng, cảm giác như đang dừng chân trên động Thiên Cung và tỏa tầm mắt nhìn Vịnh Hạ Long với mặt nước được nhuộm vàng màu lúa chín.
Sông chảy vào Việt Nam ở địa phận xã Ngọc Khê, sau khi “ôm trọn” Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít (chính vì vậy mà hình thành nên cái tên Quây Sơn, nghĩa là “vây quanh núi"), nó chảy tiếp xuống xã Đàm Thủy và tạo thành dòng thác đẹp nhất Việt Nam - thác Bản Giốc ở huyện Trùng Khánh.
Địa hình vùng Quây Sơn cũng có nhiều nét hao hao với Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - nơi vừa được UNESCO vinh danh công nhận và đưa vào mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu, cũng nhấp nhô những dãy núi đá vôi cổ sau hàng triệu năm bị bào mòn tạo thành nhiều đỉnh, vách và sườn dốc.

Thung lũng Quây Sơn nhờ phù sa con sông cùng tên bồi đắp mà nên. Gọi là thung lũng, nhưng độ cao so với mực nứơc biển của nó cũng ngang tầm đỉnh núi của nhiều khu bảo tồn ở miền Bắc. Đây là vựa thóc của người dân ba xã phía Bắc huyện Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng gồm Ngọc Côn, Ngọc Khê và Phong Nậm, cũng là vùng chuyển tiếp giữa Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh vượn Cao Vít với nơi ở của bà con. 
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít được thành lập năm 2006, có diện tích 8.070,96 héc ta thuộc địa phận hai xã Ngọc Khê và Phong Nậm. Thạc sĩ Nguyễn Thế Cường, điều phối viên của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), là chuyên gia của nhóm chúng tôi hôm ấy cho biết các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện 26 loài thú, 83 loài chim, 5 loài bò sát và 144 loài thực vật. Tôi thoáng nghĩ, với một diện tích nhỏ bé như vậy của khu bảo tồn, con số liệt kê về đa dạng sinh học ấy là rất đáng kể.

Thạc sĩ Cường cũng cho biết ở đây có tới bốn loài linh trưởng quý hiếm, đều có tên trong sách Đỏ của Việt Nam, đó là chưa kể loài vượn Cao Vít (nhân vật chính trong câu chuyện mà tôi sẽ kể) có tên trong 25 loài linh trưởng được ưu tiên bảo tồn trên toàn cầu. Nghe nói, sách Đỏ thế giới xếp loài này vào cái mục áp chót, cực kỳ nguy cấp.

Bước ra một quãng từ lán nghỉ của tổ tuần rừng, tôi nhìn thấy những lõi ngô bị gặm nham nhở nằm vương vãi trên tầng thảm mục, cỏ cây mọc sát đất bầm giập. Các bác tuẩn rừng bảo đấy là dất vết của gấu để lại.

Để chúng tôi tin hơn, anh Cường dẫn chúng tôi lại hai vại nước đầu hè. Chỉ vào những vết xước dài trên miệng và thân vại anh giải thích: "Đây chính là dấu vết đàn gấu để lại khi uống nước. Những móng tay gấu cào vào thành vại khi chúng vịn lên thành vại để vục vào uống nước. Các bạn nhìn này, những vết cào với độ rộng khác nhau nên ta có thể đoán đàn gấu có cả thành viên lớn vả nhỏ".

Các anh trong tổ tuần rừng bảo khu rừng có thể còn hai đàn gấu. Bọn chúng thỉnh thoảng vẫn mò vào lán tìm ngô và nước uống. Vì là địa hình karst nên nguồn nước mặt trong rừng rất hiếm hoi, nước mưa chảy xuống cứ như thể bị ma hút biến mất ngay, thực ra chúng đổ vào các lỗ hút ăn vào các dòng suối ngầm trong lòng núi đá. Tôi chợt thấy thú vị, những vại nước quý giá của tổ tuần rừng phải vất vả lắm các anh mới gánh được từ bìa rừng vào tới lán vô hình chung lại thu hút đàn gấu, và rất có thể cả những động vật khác nữa.
Theo lời kể của các anh thì trước đây bà con vẫn thường vào các lũng nhỏ trong rừng trồng ngô và đỗ tương. Sau rừng được quy hoạch thành rừng đặc dụng, nghĩa là đã có chủ (ban quản lý), thì việc canh tác của bà con cũng bị hạn chế dần. Thói quen mò vào ruộng rẫy kiếm ăn của đàn gấu từ trước đã khiến chúng bạo dạn, nên chúng chẳng ngần ngại mà mò vào lán trại của tổ tuần rừng tìm thức ăn và ngủ luôn gần đó.

Dẫn chúng tôi vòng ra sau lán, anh Cường chỉ vào một vạt cỏ tranh nho nhỏ, rộng chừng chiếc chiếu đôi nằm rạp xuống lép xẹp chỉ cách chỗ đứng chúng tôi chưa đầy hai mươi thước, bảo rằng đó là chỗ ngủ của một trong 2 đàn gấu. Tôi nghĩ, hay là bọn gấu nó cũng tinh khôn, chúng cảm nhận sẽ được an toàn hơn khi ở gần các bác tuần rừng?

Đêm xuống, chúng tôi lần theo ánh đèn pin đi soi sóc bay. Với tôi và một số thành viên trong đoàn hôm ấy, đây là một cuộc trải nghiệm đầy mới mẻ và lý thú. Các anh tuần rừng bảo để nhìn thấy sóc bay ban đêm cần loại đèn công suất cao. Trong ánh đèn pin sáng trắng rọi xuyên màn đêm, chúng tôi thấy lấp ló những cặp đốm tròn đỏ lừ, lúc ẩn lúc hiện – ấy chính là mắt của loài sóc bay bị phản chiếu bởi ánh đèn pin. Anh Cường bảo sóc bay trưởng thành nặng khoảng 3 – 4kg. Thực ra chúng không có cánh như chim hay dơi nên không bay được, mà chỉ liệng xuống từ trên cao nhờ màng nối giữa chân trước với chân sau. Chúng liệng được khá xa trong không trung, có thể cả trăm mét hoặc hơn, tuỳ thuộc vào tầm cao xuất phát, trước khi đáp an toàn vào một chạc cây nào đó.

Trở về tới lán nghỉ mà câu chuyện về vượn, gấu, sóc bay, hươu xạ của chúng tôi vẫn rì rầm chưa dứt. Rừng cấm ban đêm đã tĩnh mịch từ lâu.


Nguồn: Thiennhien Net