Môi trường là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững 

Cập nhật: 12/11/2010
Tại diễn đàn Hội nghị Chính phủ mở rộng giữa tuần qua, ông Phạm Khôi Nguyên cho hay, sau nhiều năm mới lại thấy lãnh đạo các tỉnh quan tâm, bàn bạc đến vấn đề môi trường "một cách sôi nổi".

Thực tế, trong suốt hai ngày hội nghị Chính phủ mở rộng, nhiều vị chủ tịch tỉnh đã bắt đầu nói đến các nguy cơ về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường bên cạnh việc kêu thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch...

Cuối các năm 2007, 2008, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, hầu như ai cũng chỉ nói đến các cụm từ "đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp"... Ngay dự thảo nghị quyết kế hoạch công việc trong năm của Chính phủ cũng chỉ dành một vài dòng chung chung ở phần kết luận để nói về môi trường.

Với nguy cơ biến đổi khí hậu cũng vậy. Ngay chính vị đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đã không ít lần "than": "Các cấp lãnh đạo vẫn còn lạnh lùng với sự biến đổi khí hậu trong khi “bóng đen” của nó đã hiện diện ngày một rõ ở Việt Nam, thể hiện qua những đợt nóng, lạnh khốc liệt ở miền Bắc, lũ lụt triền miên ở miền Trung và triều cường".

Thậm chí, ngay kỳ họp Quốc hội thứ năm vừa qua, không ít người đã cố thuyết phục các đại biểu thông qua một dự án luật trong đó các điều khoản về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể được nhân nhượng trình sau khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Có lẽ, chỉ sau khi vụ ô nhiễm Vedan trên sông Thị Vải được phanh phui và lần đầu tiên người dân lên tiếng kiện doanh nghiệp, đòi bồi thường thì vấn nạn ô nhiễm môi trường mới bắt đầu "nóng" trên các diễn đàn Quốc hội.

Công luận sau đó bắt đầu rộ lên những lời cảnh báo về việc thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu chúng ta vẫn tiếp tục lờ đi vấn đề bảo vệ môi trường mà chỉ nhăm nhe phát triển "nóng". Ngay các vị trưởng ngành Tài nguyên Môi trường và Kế hoạch Đầu tư cũng giải thích những hậu họa môi trường hiện nay đều do lịch sử để lại.

"80% cơ sở dùng công nghệ những năm 80. Trong 2.000 làng nghề có tới 1.400 làng ô nhiễm. 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, cứ tăng 1% GDP mà không có chiến lược thì sẽ mất đi 3%", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên từng nói trước Quốc hội.

Tất nhiên, các vi phạm của Vedan và những nhà máy liên doanh đang hiện hữu như đóng tàu (Huyndai) bột ngọt (Vedan, Miwon), thuộc da, thủy hải sản… với qui mô hàng triệu mét khối nước thải độc hại hay hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn gây tác hại khủng khiếp vào môi trường, môi sinh gấp nhiều lần hơn thì không thể đánh đồng, gộp chung vào "một mớ" để giải trình về chuyện bùng nhùng của tình hình ô nhiễm hiện nay.

"Làm công tác môi trường, tôi thấy rất tủi, đơn độc, các tỉnh cũng ít khi chia sẻ, cho dù môi trường là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường bộc bạch.

Vị bộ trưởng này kỳ vọng, sự "nhúc nhích" trong thái độ thiện chí của lãnh đạo các địa phương lần này sẽ khởi động cho một năm mới ưu tiên giải quyết được nhiều hơn các vấn đề môi trường.

Ngân sách nhà nước chi cho môi trường dự kiến tăng 2.000 tỷ đồng (từ 4.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng). 2010 cũng là năm Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ đồng loạt kiểm tra tất cả lưu vực các con sông lớn và 100 khu công nghiệp ven sông.

Dĩ nhiên, những lời nói trên diễn đàn Chính phủ chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta thực thi nghiêm túc các biện pháp ngăn chận ô nhiễm theo luật cũng như tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thế giới với khung hình phạt, biện pháp chế tài ngăn chặn tuyệt đối chứ không chỉ "răn đe". Cũng để tránh chuyện tỉnh đùn đẩy trách nhiệm với bộ như vụ Vedan.

Và trước mắt, dư luận trông đợi hành động dứt khoát từ phía Bộ Tài nguyên Môi trường trước một việc mà bộ đã cấm nhưng địa phương vẫn "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp làm, đó là vụ việc Huyndai - Vinashin tiếp tục nhập xỉ đồng để sửa chữa tàu biển.

Lê Nhung

 

Nguồn: Vietnamnet