Theo các chuyên gia, mực nước biển tại Việt Nam sẽ dâng cao khoảng một mét trong thế kỷ tới. Nếu không có biện pháp chống lũ lụt bổ sung thì khoảng 90% vùng ĐBSCL sẽ bị ngập lụt.
Chiều 11/11, tại TP HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức họp báo về "Kế hoạch ứng phó Biến đổi khí hậu cho ĐBSCL".
Giáo sư Cees Veerman, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan nhấn mạnh, Hà Lan cũng giống như Việt Nam không chỉ chịu những trận lũ lụt mà còn phải đối mặt với những vấn đề như thiếu nước ngầm, sụt lở đất, nạn xâm lấn và ô nhiễm. Bên cạnh đó, hai quốc gia còn có nhiều mối quan tâm chung về quản lý châu thổ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, phía Hà Lan sẽ hỗ trợ tích cực giúp Việt Nam xây dựng giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu nhận định, trong 100 năm tới, mực nước biển tại Việt Nam sẽ dâng cao khoảng một mét. Như vậy, hàng năm khoảng 90% vùng ĐBSCL sẽ bị ngập lụt nếu không có biện pháp chống đỡ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết, mục tiêu của quy hoạch ĐBSCL là nhằm khuyến khích phát triển bền vững kinh tế xã hội của khu vực có tính đến hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo đó, ĐBSCL sẽ triển khai các mục tiêu như: Hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội và lưu tâm đến phân bổ nguồn nước; cung cấp nguồn nước uống an toàn, vệ sinh; làm cho hệ thống nước thích ứng được với hậu quả của biến đổi khí hậu...
Để thực hiện quy hoạch này, phía Việt Nam sẽ phối hợp với chuyên gia Hà Lan thu thập số liệu, phân tích những điểm phù hợp và chưa phù hợp về biến đổi khí hậu ở các địa phương để điều chỉnh hợp lý.
Tá Lâm