Trồng cây trên mặt nước đang được xem là một biện pháp vừa tốt, vừa rẻ, lại an toàn làm sạch các vùng hồ ở Hà Nội vốn đang bị ô nhiễm. Những loại cây như sen, súng, thủy trúc...
Hoàn toàn có thể trở thành những thảm thực vật xanh phủ lên các “hồ trọc”. Mô hình này đã và đang được áp dụng tại một số hồ ở Hà Nội, bước đầu cho những kết quả khả quan.
Theo một khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, hầu hết các sông hồ ở Hà Nội đều bị ô nhiễm do hàm lượng nitơ và photpho quá lớn. Nhận xét về hiệu quả xử lý ô nhiễm nước ở một số hồ ở Hà Nội mà thành phố đã và đang triển khai thử nghiệm, các nhà khoa cũng đều cho rằng, về cơ bản, phần lớn các công nghệ xử lý ô nhiễm nước hồ đều có hiệu quả bởi khả năng giảm các chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, sau giai đoạn xử lý, các thông số ô nhiễm lại tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là ở hầu hết các hồ thử nghiệm, nguồn nước thải sinh hoạt liên tục đổ vào hồ. Bởi vậy, để duy trì chất lượng nước hồ lâu dài, cần có giải pháp tổng hợp, dài hơi, bao gồm cả giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản lý các nguồn nước thải, đồng thời cần nạo vét định kỳ một phần bùn đáy hồ. Những chuỗi giải pháp này không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện được. Do vậy, để cải thiện tình hình trước mắt, đơn giản, hiệu quả là việc trồng các loại cây thủy sinh như lục bình, thủy trúc... sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước hồ. Các loài này giúp chuyển hóa, hấp thụ các loại vi khuẩn có hại trong nước để làm sạch nước hồ.
Thực vật thủy sinh là các loài có lá, có rễ, và chúng đều có những bộ rễ rất lớn. Đây được xem là bộ phận để hấp thụ các chất hữu cơ và kim loại nặng như nito, phốtpho có trong nước, tạo ra sự đa dạng sinh học trong hồ, cân bằng sinh thái nước. Đồng thời, tất cả các loại chất thải trong hồ sẽ được bộ rễ này truyền lên lá. Lá chứa chất vô cơ dư thừa, vì thế lá của chúng luôn có màu xanh và nước hồ những nơi có loài thực vật này sinh sống sẽ trở nên trong vắt.
Công ty cổ phần Xanh thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị tiên phong cho mô hình này khi tham gia xử lý môi trường nước tại một số hồ ở Hà Nội như hồ Văn , Quốc Tử Giám, hồ Ngọc Khánh, hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn...Ông Nguyễn Phú Tuân, Giám đốc công ty cổ phần Xanh cho biết, “ trong nông nghiệp người ta có công nghệ thủy canh, trồng cây không cần đất, tôi cũng là dân nông nghiệp nên áp dụng công nghệ đó, vừa rẻ lại hiệu quả”.
Tuy nhiên ông Tuân cũng cho rằng, khi thực hiện cần phải có sự kiểm soát bởi không cẩn thận sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn. Bởi một số loài có thể trở thành cây gây hại do phát triển quá dày như bèo tây. Cây phát triển khá nhanh làm cho ánh sáng trong nước yếu đi, hàm lượng oxy giảm đe dọa tới sự phát triển của các loài khác trong hồ... Hơn nữa, do ý thức kém, một số loài thực vật thủy sinh khi được trồng trên một số hồ đã bị người dân lấy mất. Do đó, cách tốt nhất là đóng thành bè thả trên mặt hồ, đẩy ra xa bờ, khoảng 8m2 thủy sinh/1000m2 diện tích mặt hồ. Ở hồ Ngọc Khánh là 40m2, hồ Văn có khoảng 20m2. Cách này vừa kiểm soát được sự phát triển, vừa tạo cảnh quan đẹp cho mặt hồ.
“ Nếu như bình thường việc trồng một m2 cây xanh trên mặt đất không đơn giản, thì bây giờ trồng 1 m2 cây xanh trên mặt nước sẽ dễ dàng hơn. Theo tôi, chúng ta đang bỏ phí những diện tích mặt hồ. Hơn nữa, việc trồng các vườn thực vật trên mặt hồ không những làm nước hồ trong xanh, cảnh quan đẹp mà nó còn có tính giáo dục cao. Ở hồ Văn, chúng tôi trồng rất nhiều loại cây nên mùa nào cũng có cây xanh, có hoa. Có những trường tiểu học đã cho học sinh đến tham quan và dạy các em phân biệt những loại cây như ngổ xanh, ngổ đỏ. Đó là những kiến thức thực tế mà không phải trẻ em nào ở thành phố cũng biết. Vì những lý do này mà chúng tôi đã làm “không công” cho thành phố, với mong muốn góp phần vào việc cải tạo môi trường, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào việc quản lý môi trường”, ông Tuân khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể coi trồng thực vật thủy sinh là biện pháp tối ưu. Bởi đối với các hồ bị ô nhiễm nặng cần phải kết hợp nhiều biện pháp tổng thể như nạo vét hồ, ngăn không cho nước thải chảy vào hồ, sử dụng các biện pháp sinh học...