Tạo nhiều việc làm nhờ đầu tư xanh

Cập nhật: 18/11/2010
Đầu tư vào ngành xanh không những tốt cho môi trường mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người - ông Stefanos Fotiou, Văn phòng Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nói.

Ông Stefanos Fotiou: Ngành tài chính tạo ra nguyên tắc, gọi là nguyên tắc đường xích đạo,  điều chỉnh tiêu chí cho vay, dự án thân thiện với môi trường

Hỗ trợ đất, vốn đối với hoạt động bảo vệ môi trường

Đầu tư trong lĩnh vực xanh là chương trình ưu tiên của các chính phủ, nhằm thúc đẩy sáng kiến về đầu tư kinh tế xanh để bảo vệ môi trường - ông Stefanos Fotiou nhấn mạnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày 17/11 tại Hà Nội.

“Chúng tôi luôn hỗ trợ các quốc gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”, ông Stefanos Fotiou nói, “Tôi rất vui khi được biết Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư xanh, phát triển xanh.”

 

 

TS Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên&Môi trường, nói theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP, các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

Còn Quyết định 1030/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” quy định nhà nước sẽ hỗ trợ qua tín dụng nhà nước để phát triển ngành công nghiệp môi trường và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp này.

“Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo quy định của pháp luật.” ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến 2020 xác định xã hội hóa bảo vệ môi trường là một trong tám giải pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu về môi trường. Chiến lược nhấn mạnh cần phải xác lập các cơ chế khuyến khích, các chế tài chính, hình sự và thực hiện một cách công bằng hợp lý đối với cả các đối tác nhà nước cũng như các đối tác tư nhân khi tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Đề cập đến vấn đề xã hội hóa bảo vệ môi trường, ông Stefanou Fotiou, nói hiện có khoảng 200 cơ quan, tổ chức hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP).

“Chúng tôi xã hội hóa các hoạt động và nâng cao trách nhiệm của ngành ngân hàng, tổ chức tài chính để bảo vệ môi trường.”, ông Stefanou Fotiou chia sẻ, “Chúng tôi khuyến khích họ tham gia vào mạng lưới môi trường ở Châu Á, lồng ghép từ “bền vững” vào thị trường tài chính để họ hiểu được trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường.”

Ở Việt Nam, ông Thắng đưa ra thực tế vấn đề xã hội hóa bảo vệ môi trường cũng đang có nhiều bất cập, như chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào bảo vệ môi trường. Ví dụ trong lĩnh vực xử lý, phục hồi các điểm ô nhiễm, lĩnh vực công nghiệp môi trường; chưa có cơ chế cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước tham gia bảo vệ môi trường. Vẫn còn những đối xử chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia bảo vệ môi trường.

Khuyến khích đầu tư công nghệ vào môi trường

Theo ông Stefanos Fotiou, hơn 50 ngân hàng hiện nay đại diện cho 80 cơ quan cấp vốn điều hành, định hướng bảo vệ môi trường. Các ngân hàng và trung tâm tài chính phải giải quyết vấn đề môi trường thông qua công việc của họ, khuyến khích đầu tư công nghệ vào môi trường.

“Đây là lĩnh vực tiềm năng để chúng ta khuyến khích.”, ông Stefanos Fotiou nói.

Ông Stefanos Fotiou cho biết UNEP đưa ra chiến lược, năng lực thúc đẩy các dự án, hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam có được một nền kinh tế xanh, gắn kết các dự án.

Theo ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, đến nay Quỹ đã tài trợ cho 36 địa phương với số tiền hơn 21 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường do thiên tai, lũ lụt, các dự án nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường…

Lợi thế của Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam so với ngân hàng và các tổ chức tín dụng là cho vay với lãi suất thấp, lãi suất ít bị biến động trong thời gian vay, thời gian cho vay dài; Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư các dự án bảo vệ môi trường; Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ông Trần Đình Luật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài nguyên&Môi trường Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường, phát biểu nhu cầu trang bị và thiết lập các hệ thống tích hợp phục vụ công tác quản lý bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết và là thị trường mà Tổng Công ty Tài nguyên&Môi trường Việt Nam xác định tập trung chú ý để phát triển các dự án kinh doanh.

Theo đó, Tổng Công ty cung cấp các hệ thống kiểm tra giám sát môi trường tự động và xây dựng hệ thống thông tin môi trường tích hợp và kết nối trực tuyến (online) giữa các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường (các phòng tài nguyên môi trường, sở tài nguyên môi trường, cảnh sát môi trường, Tổng cục Môi trường).

Phạm Mạnh

 

Nguồn: Vfej.vn